Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

'Mẹo' tính điểm nộp đơn xét tuyển ĐH

01/08/2015

Theo các chuyên gia, để có thể nộp đơn xét tuyển có hệ số an toàn nhất, thí sinh có thể tính toán điểm của mình theo một số cách.

Chia 3 nhân 4

Năm nay, tất cả các ngành của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đều nhân hệ số 2 môn chính. Vì vậy, một số chuyên gia đưa ra công thức tính điểm cho các thí sinh (TS) nộp đơn vào trường này.

Công thức tính điểm chuẩn dự kiến năm 2015 của trường này như sau: TS lấy điểm chuẩn năm 2014 chia 3 nhân 4 (trừ sư phạm tiếng Anh và thiết kế thời trang) rồi cộng thêm 3 điểm đối với những ngành năm ngoái từ 20 trở lên; 2,5 điểm đối với ngành 19 - 19,5; 2 điểm đối với ngành 18 - 18,5 và 1,5 đối với ngành 16 - 17,5. Nếu TS đạt các mức điểm theo công thức này thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển. Bên cạnh đó, những ngành mới mở năm nay (xây dựng cầu đường, kỹ thuật hóa học và thương mại điện tử), nếu tính toán theo cách này thì cần ở mức 26 điểm.

Năm nay, điểm ưu tiên của trường cũng tính khác. Trường không cộng điểm trần theo quy chế mà theo công thức: [điểm ưu tiên] x 4/3. Ví dụ: TS ở khu vực 2 nông thôn (1 điểm) và đối tượng ưu tiên 06 (1 điểm) thì điểm ưu tiên sẽ là: 2 điểm x 4/3 = 2,67. Sau đó, cộng vào điểm thi của TS để nộp đơn xét tuyển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phần mềm xét tuyển năm nay của trường còn có thể giải quyết việc thay đổi nguyện vọng của TS. TS có thể lên mạng thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, TS phải in ra, gửi về cho trường quyết định thay đổi cuối cùng để sau này trường đối chiếu. TS đã đăng ký sơ tuyển trực tuyến sẽ được trường gửi thư điện tử hằng ngày từ 1.8 để thông báo kết quả. Trước ngày 20.8, trường sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn cho TS có nguy cơ rớt đăng ký lại ngành còn chỉ tiêu ngay trong trường để xác suất trúng tuyển cao hơn.

Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào lượng TS nộp hồ sơ xét tuyển so với tổng chỉ tiêu tuyển và chất lượng điểm xét tuyển của TS. Năm 2014, điểm sàn của Bộ GD-ĐT là 13 điểm, điểm chuẩn của trường là 18,5 điểm (không nhân hệ số). Nghĩa là điểm chuẩn của trường cách điểm sàn 5,5 điểm.

Năm nay, điểm sàn của Bộ GD-ĐT là 15 điểm. Như vậy, để có cơ hội trúng tuyển, mỗi môn bình quân TS nộp vào trường nên có khoảng 6,5 điểm trở lên. Do nhân hệ số môn chính, nên môn nhân hệ số có điểm số càng cao càng tốt.

Điểm thi phải cao hơn điểm sàn rất nhiều

Mọi năm, các chuyên gia thường đưa ra lời khuyên là điểm thi cách điểm xét tuyển các trường từ 2 điểm trở lên là có cơ hội trúng tuyển cao. Tuy nhiên, tình hình năm nay sẽ khác.

Đến nay, nhiều trường ĐH lớn như Quốc gia TP.HCM, Cần Thơ, Xây dựng (Hà Nội), Luật TP.HCM, Sư phạm TP.HCM, Giao thông vận tải TP.HCM... công bố điểm xét tuyển chỉ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Nhưng rất nhiều ngành học ở các trường này có mức điểm chuẩn hằng năm hơn điểm sàn năm nay của Bộ đến 6 - 7 điểm, thậm chí còn cao hơn nữa.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, TS nên theo dõi điểm chuẩn hằng năm của các trường dao động ở mức nào. Thêm vào đó, năm nay phổ điểm lại cao, nên nếu muốn chắc chắn, điểm thi của TS cao hơn điểm chuẩn các năm trước thì mới có nhiều cơ hội. Nếu tính theo điểm sàn xét tuyển như các năm để nộp hồ sơ vào thì sẽ khó trúng tuyển. Trong khi đó, khi đã nộp vào rồi thì sẽ mất thời gian, tốn kém tiền bạc, công sức đi lại để rút hồ sơ sau này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, đúng là cần dựa vào điểm chuẩn các năm, nhưng năm nay cần lưu ý là phổ điểm môn tiếng Anh lại thấp. Vì vậy, với các ngành sử dụng môn tiếng Anh làm môn chính để nhân hệ số (như ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), có thể điểm chuẩn còn thấp hơn năm 2014.

Đăng Nguyên
(thanhnien.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang