Lo thiếu thầy giỏi
Theo thống kê ban đầu, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay không tăng so với các năm trước, dù trường tuyển sinh tăng thêm 400 chỉ tiêu.
Khó khăn trong tuyển sinh của ngành sư phạm không còn là vấn đề mới nhưng hậu quả của việc thí sinh không mặn mà vào ngành sư phạm lại là nỗi lo rất lớn của những người làm giáo dục. “Nếu không thu hút được học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm thì làm sao đào tạo được giáo viên giỏi cho ngành giáo dục”- ông Tạ Quang Lâm, Phó Trưởng Phòng Đào tạo của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tỏ ra băn khoăn.
Cũng vì cần thu hút học sinh giỏi để đào tạo giáo viên giỏi mà những năm qua, dù biết không tuyển đủ chỉ tiêu một số ngành nhưng trường này vẫn lấy điểm chuẩn các ngành trên điểm sàn 2-3 điểm trở lên chứ nhất quyết không “nhắm mắt làm liều” lấy thí sinh điểm thấp. Dù vậy, tỉ lệ nhập học hằng năm cũng chỉ đạt khoảng 80%, còn lại là sinh viên “ảo”. Thậm chí có năm, trường chuẩn bị phần thưởng cho thí sinh đạt điểm thủ khoa nhưng chờ mãi không thấy thủ khoa nhập học. Hóa ra là thủ khoa này đã chọn phương án học tại một trường khác không liên quan gì đến sư phạm.
Ông Tạ Quang Lâm lý giải sở dĩ thí sinh không tha thiết với ngành sư phạm bởi đây là ngành học “ít tiền”; bởi thí sinh bây giờ thực tế lắm, các em đã biết nghĩ đến việc sau khi ra trường làm gì và kiếm được bao nhiêu tiền trong khi lương giáo viên như vậy thì làm sao ngành sư phạm cạnh tranh được. Do vậy, theo ông Lâm, muốn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh giỏi vào các trường sư phạm thì phải có đầu ra. Đầu ra ở đây là những chế độ chính sách giúp cải thiện đời sống của giáo viên, để giáo viên đi dạy nhiều cũng phải có thu nhập tương đối.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn cơ chế phân công giảng dạy theo môn. Do đó, có những môn nhu cầu rất lớn nhưng thí sinh lại không đăng ký thi vào vì vẫn xem đó là môn phụ, trong khi các môn toán, văn chỉ tiêu nhiều, dự thi đông, sinh viên ra trường hàng loạt thì các sở GD-ĐT lại thờ ơ. Đây là bất cập lớn khiến cho ngành sư phạm cứ kêu mãi bài ca thiếu giáo viên nhưng thực chất lại thừa. Sinh viên ra trường vẫn có nhiều em không xin được nơi giảng dạy.
Do vậy, nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị các sở GD-ĐT cần rà soát để có dự báo nhu cầu nhân lực của từng môn, từng ngành, từ đó mà các trường sư phạm có cơ sở đề xuất chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế để tránh lãng phí. Một đề xuất thiết nghĩ rất cần được áp dụng.
Gia Thùy
02/05/2011-nld.com.vn