Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Căng thẳng nhân lực y tế miền Trung

Nhu cầu nhân lực y tế cao trong khi nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu, bác sĩ (BS) trẻ ra trường chọn nơi có thu nhập cao, nhiều cơ hội cho nghề nghiệp... là tình trạng chung của nhiều địa phương, đặc biệt là miền Trung.

TP Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có tiếng về thu hút nguồn nhân lực y tế và dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây nguyên với tỉ lệ 9 BS/10.000 dân (vượt hai BS theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế), thế nhưng lãnh đạo ngành y tế TP này vẫn bi quan.

 

Thiếu người có tay nghề

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nói thực tế Đà Nẵng vẫn thiếu hụt nhân lực y tế trầm trọng. Để khuyến khích các BS về công tác tại các trạm y tế vùng sâu vùng xa, miền núi, từ năm 2008 lãnh đạo TP đã có quyết định tăng gấp đôi lương kèm theo một số chế độ phụ cấp khác nhưng đến nay mới chỉ thu hút được hai BS, mà hai BS này là nội bộ ngành chứ chưa thu hút được BS trẻ mới ra trường.

 

Thậm chí, BS Yến cho biết TP Đà Nẵng phải tận dụng nguồn nhân lực y tế... hưu trí cho các trạm y tế cơ sở bằng cách hợp đồng với đối tượng này làm việc bán thời gian tại các trạm y tế, mỗi ngày một buổi làm việc chẳng hạn.

 

Trong khi đó, BS Hoàng Thị Tâm, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, kể: “Tiếng là có lợi thế vì chúng tôi có Trường ĐH Y dược Huế là nơi đào tạo nguồn nhân lực chính cho khu vực miền Trung - Tây nguyên, thế nhưng chúng tôi vẫn thiếu nhân lực trầm trọng. Năm ngoái khi chúng tôi tuyển 50 BS thì chỉ có hai người nộp hồ sơ, nhưng xem xét lại thì chẳng tuyển được ai. Đợt thứ hai, chúng tôi thông báo tuyển tiếp 50 BS thì cũng có hai hồ sơ. Cả hai được duyệt nhưng chỉ một người đến nhận nhiệm sở”.

 

Thiếu cả nguồn đào tạo

 

Tại hội nghị đào tạo nguồn nhân lực năm 2011 vừa diễn ra ở TP Huế, TS Võ Văn Thắng (Trường ĐH Y dược Huế) đánh giá tình trạng cán bộ y tế dù có tăng nhưng rất chậm trong vòng 15 năm qua, dự kiến khoảng 10 năm nữa VN mới có đủ nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu cả nước.

 

Đại diện lãnh đạo sở y tế tại nhiều tỉnh, TP miền Trung - Tây nguyên và cả khu vực Nam bộ đều tán đồng quan điểm xem đối tượng sinh viên thi vào y khoa thiếu điểm ít là “nguồn” quan trọng để đào tạo BS chính quy theo địa chỉ.

 

Trong khi đó PGS.TS Cao Ngọc Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế, cho rằng: “Cần phải tính đến sự thiết thực chứ các em học các kỹ thuật cao, mất sáu năm mới ra BS nhưng về các trạm y tế chỉ chữa các bệnh ho hen, sổ mũi, đau bụng, tiêu chảy... thì các em cũng khó về”.

 

Ông Thành cho hay dù biết đào tạo theo địa chỉ sử dụng là lựa chọn khả quan để bổ sung nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng, tuy nhiên không phải địa phương nào ở miền Trung - Tây nguyên cũng có “nguồn” cử đi học.

 

Thực tế năm 2010 trường có được 200 chỉ tiêu đào tạo theo diện này, nhưng số nhập học không đủ, nguyên nhân là do các tỉnh thiếu người để cử đi. Thứ nữa là thang điểm “dưới điểm chuẩn, trên điểm sàn” với mức chênh lệch 0,5-1 điểm thì không phải dễ tuyển.

 

23/04/2011 – tuoitre.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]