Lo 'níu chân' thí sinh trúng tuyển
14/07/2012
Chưa có điểm thi, điểm sàn, nhưng theo dự báo của các trường đại học, công tác tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều khó khăn. Nhiều trường tính đủ cách lo giữ chân thí sinh trúng tuyển nhập học.
Tăng trúng tuyển ảo
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2012 có nhiều đổi mới, trong đó kéo dài thời gian xét tuyển đến ngày 30-11 và không hạn chế số lần tuyển của các trường đại học.
Các trường đại học được trao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh, như có thể hạ điểm chuẩn nhằm tạo thêm cơ hội học tập cho thí sinh tốp dưới và cơ hội tuyển sinh cho các trường khó tuyển.
Thay vì được cấp phiếu nguyện vọng để đăng ký xét tuyển như các kỳ tuyển sinh trước, năm nay, thí sinh được nhận 2 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Đặc biệt, thí sinh có thể nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả thi để dự tuyển vào bất kỳ trường nào, đến khi trúng tuyển mới phải nộp bản chính có dấu đỏ của các trường…
GS.TS Nguyễn Tấn Quý, Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, nhận định: Quy định này tạo điều kiện cho các trường mở rộng công tác tuyển sinh, tăng nguồn tuyển và thời gian xét tuyển cho cả phía trường và bên phía thí sinh.
Tuy nhiên, các trường khó xác định thí sinh trúng tuyển có nhập học hay không. Thí sinh có thể nộp cả chục bộ hồ sơ xét tuyển vào các trường, nhưng chắc chắn chỉ chọn 1 trường theo học. Do đó, số lượng thí sinh trúng tuyển ảo sẽ rất lớn.
Điều này kéo theo hệ lụy: các trường phải xét tuyển nhiều lần, thay đổi thời gian học tập trung, và có thể kéo dài khóa đào tạo sang các tháng hè của năm học.
PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho hay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi trên 58.000, trong khi các trường ĐH thành viên chỉ xét tuyển 11.000 chỉ tiêu (bậc ĐH, CĐ), nên nguồn tuyển không đáng lo. Riêng một số ngành xã hội có thể phải xét tuyển thêm do thí sinh dự thi hạn che.
Cấp học bổng
Với 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng triển khai nhiều biện pháp thu hút thí sinh trúng tuyển. Theo GS.TS Nguyễn Tấn Quý, thay vì chỉ gọi tập trung 2 đợt vào đầu năm học như trước đây, năm nay, nhà trường dự kiến tổ chức 3 đợt xét tuyển vào tháng 9, 10 và 11, cùng với đó là 3 lần gọi thí sinh tập trung để nhập học.
“Mỗi lần gọi tập trung, chúng tôi sẽ lọc thí sinh trúng tuyển ảo. Nếu lần 1 thiếu chỉ tiêu sẽ gọi lần 2, và đến lần 3 sẽ đảm bảo tổng con số chỉ tiêu đào tạo này”, ông Quý nói.
Tại các trường ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á (Đà Nẵng)…, bên cạnh tăng số lần gọi thí sinh trúng tuyển, các trường dùng nhiều chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên để thu hút thí sinh trúng tuyển tham gia nhập học.
Theo Hội đồng tuyển sinh ĐH Duy Tân Đà Nẵng, năm nay, trường dành 800 suất học bổng với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng cho các thí sinh đăng ký vào trường, có điểm vào trường cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT, hoặc tham gia các chương trình tiên tiến và quốc tế.
Đặc biệt, với những ngành dự báo hiếm nguồn tuyển, ĐH Duy Tân Đà Nẵng cấp học bổng tương đương 50% học phí liên tục trong 4 năm, cho thí sinh theo học các chuyên ngành Văn - Báo chí, Quan hệ Quốc tế và Văn hóa Du lịch. Nhưng chỉ giới hạn cho 150 thí sinh đăng ký đầu tiên.
Một số trường ĐH tính cả chuyện thu tiền tạm ứng học phí trước để giữ chân thí sinh trúng tuyển.
Nguyễn Huy
(tienphong.vn)