Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Sẽ có cách xác định điểm sàn
17/03/2014
Năm 2014 là năm Bộ GD-ĐT quyết định đổi mới công tác thi cử, tuyển sinh để phù hợp với Luật Giáo dục đại học và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chính vì vậy, những nội dung đổi mới do Bộ GD-ĐT đưa ra, lấy ý kiến được dư luận xã hội quan tâm. Nhưng đáng tiếc là việc công bố thông tin có lúc chưa thực sự rõ ràng khiến dư luận hiểu chưa đúng ý của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là vấn đề điểm sàn.
Ai cũng nghĩ là bỏ điểm sàn
Ngày 24-2, Bộ GD-ĐT họp báo công bố một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Trong đó, riêng về tuyển sinh ĐH-CĐ, bộ nói rõ năm nay các trường được tự chủ tuyển sinh; đồng thời Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ chung. Vì vẫn còn kỳ thi chung nên một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD-ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.
Vì bộ công bố tuyển sinh năm nay bộ sẽ xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây nên ngay sau đó, về cơ bản thông tin trên báo chí đều nêu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ. Trong suốt thời gian qua, không chỉ dư luận mà bản thân các trường cũng hiểu như vậy. Tiếp đó, ngày 12-3, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy trong đó nêu rõ, căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH-CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo. Điều này tiếp tục được tái khẳng định trong công văn về phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 mà Bộ GD-ĐT công bố ngày 14-3.
Như vậy, trong toàn bộ các thông tin, văn bản mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra, khái niệm điểm sàn ĐH-CĐ gần như không còn. Mặt khác, bộ cũng cho biết đang khẩn trương lấy ý kiến về các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây. Đó là lý do mà hầu hết những ai quan tâm đến kỳ thi ĐH-CĐ 2014 đều ngầm hiểu, Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn.
Vẫn có điểm sàn, nhưng cách tính sẽ khác
Tuy nhiên, đến tối 14-3, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn cho báo chí nói rõ thêm về vấn đề điểm sàn. Cục này cho rằng, một số phương tiện truyền thông đã đưa tin chưa thật đầy đủ về những nội dung liên quan đến điểm sàn. Theo công văn này, năm nay Bộ GD-ĐT đã quyết định bỏ cách xác định điểm sàn theo kiểu cũ và đổi mới cách xác định điểm sàn cho phù hợp với thực tiễn công tác tuyển sinh của các trường. Cụ thể, thay vì chỉ có một giá trị điểm sàn cho bậc ĐH và một giá trị điểm sàn cho bậc CĐ ứng với mỗi khối thi như từ năm 2013 trở về trước, năm nay bộ sẽ có cách xác định điểm sàn mới linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với các loại hình trường, ngành đào tạo cũng như mục tiêu đào tạo của các trường ĐH-CĐ, giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chủ động đề xuất, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các trường ĐH-CĐ để đưa ra dự thảo phương án cách xác định điểm sàn mới.
Như vậy, hiểu một cách thông thường, năm nay bộ sẽ vẫn duy trì điểm sàn ĐH-CĐ nhưng sẽ có cách xác định điểm sàn mới. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, bộ chưa bao giờ công bố bỏ điểm sàn, nếu có bỏ thì chỉ là bỏ cách tính điểm sàn theo kiểu cũ. “Dù tuyển sinh kiểu gì thì cũng phải xác định ngưỡng đầu vào. Khi tổ chức kỳ thi chung thì ngưỡng đầu vào phải chính là điểm số. Từ năm 2013 trở về trước, tất cả các trường ĐH-CĐ trong cả nước đều có chung một điểm sàn. Các trường đều phải đi chung một đôi giày, rất bất hợp lý, vì vậy phải bỏ cách tính điểm sàn theo kiểu cũ” - ông Mai Văn Trinh giải thích.
Khi PV Báo SGGP đặt lại vấn đề có hay không có điểm sàn trong kỳ thi ĐH-CĐ 2014, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói, chắc chắn là vẫn phải có điểm sàn, vì đó là ngưỡng tối thiểu để xác định đầu vào đại học. Còn điểm sàn đó xác định bằng cách nào, tiêu chí ra sao thì trong vài ngày tới Bộ GD-ĐT sẽ công bố để lấy ý kiến các trường, các chuyên gia trước khi áp dụng cho mùa tuyển sinh năm nay.
Rõ ràng, bỏ hay không bỏ điểm sàn là một vấn đề được quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, cách thông tin không rõ ràng, thiếu thống nhất đã khiến dư luận bị hụt hẫng. Đặc biệt, khái niệm các tiêu chí thay thế điểm sàn mà bộ đề cập đến nay vẫn còn quá mơ hồ, đến mức một lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải “khất hẹn” với phóng viên “chờ vài ngày nữa có phương án sẽ rõ, còn nói bây giờ khó hiểu lắm, ngay cả nói trong bộ mà còn nhiều người không hiểu”...
PHAN THẢO
Nguồn: sggp.org.vn