Ba thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2014
10/03/2014
Chính sách tuyển sinh năm 2014 vừa thi “ba chung” vừa thi riêng, thay đổi ưu tiên về đối tượng và khu vực… Do đó hồ sơ đăng ký dự thi cũng thay đổi so với mọi năm.
Đầu tuần sau (17-3), thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Tuần này Bộ sẽ công bố Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 để các trường và thí sinh nắm cụ thể từng thời điểm của kỳ thi này. Hằng năm trong tháng 2 Bộ đã công bố phương hướng nhưng do năm nay có một số điều chỉnh nên có phần trễ hơn”.
Tăng đối tượng ưu tiên
+ PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Năm nay kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có ba điểm mới là giao quyền tự chủ cho các trường thực hiện tuyển sinh riêng, sửa đổi chính sách ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực, điểm sàn trong tuyển sinh sẽ được thay đổi bằng các tiêu chí khác.
. Cụ thể những thay đổi này được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
+ Để thực hiện tự chủ tuyển sinh, các trường phải chuẩn bị đề án và đề án phải đáp ứng được cấu trúc cũng như nội dung phù hợp với các quy định của Bộ như có ngưỡng đảm bảo chất lượng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh dự thi… Trong tuần này Bộ sẽ công bố những đề án tuyển sinh riêng phù hợp với quy định để các trường triển khai và thí sinh biết để đăng ký dự thi. Trước mắt ba trường đã có đề án hoàn chỉnh nhất là ĐH Kiến trúc TP.HCM đổi khối thi để chọn đúng năng lực thí sinh, ĐH Kiểm sát Hà Nội sơ tuyển ngoại hình và tạo nguồn tuyển, ĐH Bách khoa Hà Nội sơ tuyển đầu vào để có nguồn tuyển tốt hơn…
Về chính sách ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực thì năm nay không giảm mà tăng đối tượng được hưởng ưu tiên. Cụ thể, bổ sung thêm đối tượng là người khuyết tật nặng; con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh… Tuy nhiên, điều chỉnh đối tượng ưu tiên đối với dân tộc ít người. Trước nay đối tượng này được hưởng 2 điểm thì nay 2 điểm được áp dụng đối với thí sinh là dân tộc ít người có hộ khẩu thường trú tại khu vực (KV) 1 nhưng cũng đối tượng này có hộ khẩu thường trú ngoài KV1 thì chỉ hưởng 1 điểm. Đặc biệt, ưu tiên KV1 được xác định chặt chẽ hơn. Trước đây có những tỉnh hoàn toàn thuộc KV1 nên dù ở thành thị hay nông thôn đều được hưởng 1,5 điểm ưu tiên. Nay để được hưởng ưu tiên KV1 thì thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn và học tại trường THPT đóng trên huyện có xã khó khăn.
Năm nay Bộ không đặt vấn đề điểm sàn mà thay điểm sàn bằng ngưỡng chất lượng đầu vào và Bộ sẽ công bố sau. Do đó trong quy chế tuyển sinh sẽ ban hành trong tuần này cũng thay thế từ “điểm sàn” thành “những tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào”.
Lưu ý đối với thi riêng
. Với các thay đổi trong tuyển sinh, vậy hồ sơ đăng ký dự thi năm nay sẽ thay đổi như thế nào?
+ Phiếu đăng ký dự thi năm nay có điều chỉnh do có những trường tuyển sinh riêng. Tại mục 2 “Trường đăng ký dự thi” bổ sung thêm phần “Tham gia kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT” và phần “Tham gia đề án tuyển sinh riêng của trường”. Đối với các trường tuyển sinh riêng thì gần như các trường đều dành 60%-70% để theo “ba chung”, còn lại thử nghiệm tuyển sinh riêng. Do đó thí sinh sau khi chọn trường, ngành nếu muốn cả hai hình thức thì đánh dấu cả hai.
. Ông có lưu ý gì đối với thi riêng?
+ Việc tuyển sinh riêng có lợi cho thí sinh vì có nhiều cơ hội. Nhưng để biết được thông tin các trường tuyển sinh riêng thì thí sinh phải đọc kỹ trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 (phát hành chậm nhất vào tuần sau), trên website của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ www.moet.gov.vn và trên trang web của trường. Thí sinh phải kiểm tra cẩn thận về tiêu chí xét tuyển của trường thế nào, hồ sơ gồm những gì, thí sinh được phép bổ sung gì, thời gian nộp hồ sơ, cách thức nộp ra sao… Hồ sơ thi riêng sẽ nhiều hơn so với hồ sơ thi “ba chung” do trường tuyển sinh riêng có thể xét tuyển không theo “ba chung” mà trường xét theo kết quả học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT…
. Thưa ông, một số trường tuyển sinh riêng xét tuyển học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp… thì làm sao thí sinh nộp trong thời gian này?
+ Những phần hồ sơ không có ngay thì các trường tuyển sinh riêng phải quy định đến thời điểm nào thí sinh phải nộp bổ sung hồ sơ và ở đâu. Do đó để thí sinh không nhầm lẫn, các trường tuyển sinh riêng phải quy định rõ: Thí sinh dự thi vào những trường tuyển sinh riêng cần ghi rõ những giấy tờ còn thiếu so với yêu cầu của trường như học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT… vào phần cuối của phiếu đăng ký dự thi và giấy tờ này phải nộp bổ sung cho trường trước thời hạn quy định của trường. Ngoài ra, trong phiếu đăng ký dự thi năm nay ngoài điện thoại còn có email của thí sinh để trường tiện liên lạc với thí sinh.
Không tăng lệ phí tuyển sinh
PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho biết lệ phí đăng ký dự thi và dự thi năm 2014 vẫn giữ nguyên như năm 2013. Theo đó, thí sinh đăng ký dự thi và dự thi vào các trường ĐH, CĐ nộp 105.000 đồng, bao gồm 60.000 đồng/hồ sơ phí đăng ký dự thi và 45.000 đồng/hồ sơ phí dự thi các môn văn hóa. Lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu 120.000 đồng/hồ sơ và lệ phí sơ tuyển đối với các ngành khác 50.000 đồng/hồ sơ; phí dự thi năng khiếu là 300.000 đồng/hồ sơ cho tất cả các môn.
Ngoài ra, thí sinh phải nộp phí giao nhận hồ sơ thay cho ba phong bì tem là 6.500 đồng. Riêng mức thu phí với thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ, TCCN là 30.000 đồng/hồ sơ.
Chỉ cấp một giấy báo kết quả thi
Trước đây thí sinh không trúng tuyển thì trường sẽ in hai loại giấy: Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có điểm từ điểm sàn trở lên và phiếu báo điểm đối với thí sinh có điểm thấp hơn sàn. Năm nay do bỏ điểm sàn nên chỉ còn một loại giấy. Như vậy tất cả thí sinh không trúng tuyển đều được cấp một giấy như nhau.
|
QUỐC DŨNG
Nguồn: plo.vn