Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Kiến nghị chấm dứt "cát cứ" quản lý giáo dục nghề nghiệp

14/06/2016

TS Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp trao đổi với VietNamNet khi Bộ GD-ĐT vừa có tờ trình đề xuất Chính phủ xem xét giao Bộ GD-ĐT quản lý từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả trung cấp nghề, cao đăng nghề-  hiện đang thuộc quản lý của Bộ LĐTBXH.

Thưa ông, vì sao Bộ GD-ĐT lại quyết định kiến nghị đưa việc quản lýgiáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐTBXH về Bộ GD-ĐT?

Hiện nay,  giáo dục nghề nghiệp đang gặp những thách thức: Năng suất lao động của Việt Nam thua xa các quốc gia ASEAN, điều kiện nguồn lực thiếu thốn, đầu tư cho dạy nghề thiếu quy hoạch tổng thế của hệ thống, dàn trải gây lãng phí những đồng tiền thuế của quốc gia...Bên cạnh đó, Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, mỗi Bộ chỉ thực hiện một chức năng, giảm đầu mối, giảm biên chế và giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Qua thực tiễn quản lý công tác GDNN, càng ngày càng thấy bộc lộ những hạn chế, đang tạo ra sự bất ổn định trong hệ thống do nhiều trường dạy nghề không tuyển được học sinh, sự ứng xử không bình đẳng trong việc "rót" ngân sách giữa một bên là trường nghề,  một bên là các trường trung cấp huyên nghiệp và cao đẳng. Hậu quả là người học và người dạy học ở các trường TCCN, CĐ chịu thiệt thòi.

Có nhiều trường hiện đại, cuối cùng không tuyển được học sinh thì sự phát triêtn đáng trân trọng ấy cũng nên đánh giá khách quan khi so sánh với quy mô đào tạo TCCN co những năm lên đến từ 650.000 đến 680.000 nhưng hầu như không được đầu tư từ chương trình mục tiêu.

Nếu kể cả các trường cao đẳng thì quy mô hàng năm cũng khoảng gần 1 triệu sinh viên ( mỗi năm tuyển chừng 280-320.000) cũng không được đầu tư như bên dạy nghề.

Nói thẳng ra, sự phát triển của hệ thống dạy nghề là sự hy sinh chất lượng, sự bình đẳng của các trường TCCN, CĐ do ngành giáo dục quản lý.

Kinh nghiệm thiết kế bộ máy quản lý chẳng bao giờ có hiện tượng hai chủ thể cùng quản lý một đối tượng.

Có thể nói, kiến nghị như trên xuất phát từ những vấn đề thực tiễn, trước những đòi hỏi mới của hội nhập đưa giáo dục Viêt Nam lên tầm cao mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, và trước những đòi hỏi cải cách mạnh mẽ về hành chính.

Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là sự thay đổi rất lớn đối, liệu có gây ra xáo trộn lớn với giáo dục nghề hiện nay không?

Thực chất, đưa về một hệ thống quản lý tất nhiên phải có sự sắp xếp lại cho ngay hàng thẳng lối hệ thống. Bộ GDĐT sắp tới sẽ trình Thủ tướng Cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân khi đó không thể có hai cơ quan cùng vận hành hệ thống sẽ rối bét.

Nếu đưa toàn bộ Tổng cục Dạy nghề (TCDN) về thì câu chuyện đơn giản lắm! Bộ máy sẽ vẫn hoạt động bình thường, nhưng ở địa phương cắt bỏ hoặc sáp nhập ngay 63 phòng Dạy nghề thuộc sở LĐTBXH.

Bản thân TCDN mọc ra ở Bộ LĐTBXH cũng chẳng có quan hệ cơ hữu với các cục, vụ của Bộ LĐTBXH như đối với Bộ GDĐT vốn quan hệ với các cục, vụ liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Kế hoạch, biện pháp mà Bộ GD-ĐT để thực hiện sự thay đổi này nếu như kiến nghị được phê duyệt?

Có thể nói quá sớm kế hoạch hay biện pháp khi Bộ GD - ĐT mới đưa kiến nghị.

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, hai Bộ sẽ phải xây dưng một đề án để có chiến lược, lộ trình hợp lý.

Nhưng việc này không mấy khó khăn thách thức vì chuyển trọn gói cả TCDN về Bộ GDĐT bộ máy sẽ vận hành ngay sau khi rà soát, loại bỏ hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên thách thức còn khá lớn nếu các cấp quản lý ngại đổi mới, ngại mất ổn định quyền lực và quyền lợi cục bộ mà không nhìn thấy lợi ích, lợi thế của một quốc gia có 100 triệu dân trong tương lai gần.

Cảm ơn ông!

Lê Văn (thực hiện)
Nguồn: vietnamnet.vn – 14/06/2014

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang