Chuẩn hóa nhân lực y và những tiếng thở dài
22/03/2016
Ngừng tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học là nội dung chính của Thông tư liên tịch vừa được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ xem xét thông qua. Đó cũng là vấn đề thời sự nóng hổi được rất nhiều người dân quan tâm, với không ít tiếng thở dài xen lẫn giọt nước mắt ngỡ ngàng và tiếc nuối…
“Xóa sổ” hoàn toàn hệ trung cấp trong ngành Y tế
Bộ Y tế cho hay, theo lộ trình, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học. Từ năm 2021, các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ ngừng tiếp nhận các chức danh điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sỹ, nữ hộ sinh, hộ lý… trung cấp. Như vậy, đến năm 2015 chức danh cán bộ hệ trung cấp sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn trong ngành Y tế…
Lý giải cho vấn đề này, ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho hay, thời gian gần đây các trường y- dược đào tạo ồ ạt hệ trung cấp y dược dẫn tới tình trạng các học viên sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm chiếm tỷ lệ rất cao. Chính vì lẽ đó, cần thiết phải có sự tính toán và điều phối đối với nhóm nhân lực này.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, mục đích cao nhất của công tác giáo dục đào tạo là chất lượng nguồn nhân lực sau này. Cụ thể là, nguồn chất xám đó có đáp ứng với nhu cầu thực tế của công việc hay không. Với ngành Y tế, yêu cầu này càng đòi hỏi cao hơn rất nhiều vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đào đạo ngành Y Dược của chúng ta hiện nay đang có vấn đề. Chính bởi thế, việc nâng cao trình độ công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Y tế là một yêu cầu bức thiết.
Hơn nữa, theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng như thế giới. Hiện nay, lãnh đạo Bộ chủ quản cho biết, các vị trí kể trên trong ngành Y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là cao đẳng, chưa kể ở Thái Lan hầu hết các điều dưỡng đã đạt trình độ đại học trở lên.
Mặt khác, theo ông Tiến, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhu cầu xã hội ngày càng cao, trình độ đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cũng phải nâng cao để phục vụ tốt cho bệnh nhân… “Khi quy định này được thực hiện sẽ không ít người băn khoăn, lo lắng; nhiều cơ sở y tế sẽ phải đóng cửa… Nhưng, chúng ta không làm thế không thể hội nhập, không thể phát triển được” – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Những tiếng thở dài
Đó là quan điểm của các nhà quản lý, còn bản thân những “người trong cuộc” thì không khỏi “sốc” trước chủ trương này. Để phục vụ công việc cũng như bắt kịp với thời cuộc, anh Nguyễn Quang Hưng – nhân viên phòng y tế của một quận nội thành của Thủ đô vội vàng đi dò hỏi để theo học một lớp dược sỹ cao đẳng vì theo anh, “không học thì không thể ngóc đầu lên được”.
Còn chị Lê Thu Hằng thì thở dài ngao ngán vì cái bằng dược trung cấp của chị ở khu vực nội thành vốn đã chả biết làm gì, giờ càng trở nên vô nghĩa khi trình độ trung cấp y dược không được công nhận…
Chia sẻ với báo giới về nỗi băn khoăn này, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho rằng, việc chuẩn hóa nhân lực y tế là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình thực tế tại nhiều bệnh viện cho thấy đây là việc cực kỳ khó khăn.
Theo bác sỹ Châu, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hiện có tới 70% nhân viên điều dưỡng hệ trung cấp. Kế hoạch đào tạo trong 7 năm tới của bệnh viện là phải chuẩn hóa toàn bộ số nhân viên này lên trình độ đại học, cao đẳng, mỗi nhân viên trung cấp cần đến 4 năm theo học tại các trường, lúc ấy ai sẽ thay thế cho họ đi học?. Trường hợp bệnh viện muốn tuyển điều dưỡng có trình độ đại học, cao đẳng trở lên cũng rất khó khăn do số lượng người đạt trình độ này không phải là nhiều.
Rất nhiều lãnh đạo các cơ sở đào tạo cũng như bệnh viện và bản thân các học viên có chung nỗi băn khoăn kể trên. Bởi thực tế cho thấy, đa số các cơ sở y tế trong cả nước, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ y tế thôn bản còn thiếu nói chi đến đội ngũ cán bộ y dược hệ trung cấp, cao đẳng, trình độ đại học trở lên càng là niềm mơ ước xa vời. Cũng vì thực tế này, không chỉ người dân mà hầu hết cán bộ trong ngành cho rằng cần phải có một lộ trình thích hợp cho việc làm này, thậm chí làm dần từng bước một chứ không nên ào ạt và triển khai một cách đồng loạt, đại trà như vậy.
Cụ thể, theo bác sỹ Trịnh Văn Hiệp, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương, dựa trên nhu cầu đào tạo và thực tế của từng địa phương sẽ đào tạo và bố trí nhân lực. Địa phương nào cần những người thợ chuyên nghiệp, lành nghề thì vẫn phải đào tạo, nơi nào thừa rồi thì dừng lại và tăng cường đào tạo chuyên sâu. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Đoan Trang (baophapluat.vn – 22/03/2016)