Không đảm bảo chất lượng, vẫn tự chủ tuyển sinh
21/04/2014
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 2 điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH là đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện có trường ĐH không đảm bảo các tiêu chí này nhưng vẫn được tuyển sinh, thậm chí còn được tự chủ tuyển sinh.
Thiếu giảng viên
Năm 2014, Trường ĐH Chu Văn An được Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ tuyển sinh, tuyển 900 chỉ tiêu đào tạo ĐH và CĐ. Trong khi đó điều kiện thực tế của trường lại chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường này không đáp ứng được tiêu chí giảng viên. Tại đề án tuyển sinh riêng, trường vẫn liệt kê một đội ngũ giáo viên hùng hậu với 101 người trong đó có 5 giáo sư, 11 phó giáo sư, 22 tiến sĩ. Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, trong danh sách giảng viên cơ hữu, trường này chỉ có vài người là tiến sĩ, một phó giáo sư. Vào tháng 3.2014, trường chỉ có chưa tới 20 giảng viên cơ hữu do năm 2012 và 2013 trường này đã thực hiện giảm biên chế và ép nhiều người nghỉ việc.
Nhiều giáo sư, tiến sĩ và giảng viên chính được nêu tên trong đề án tuyển sinh riêng chỉ là những giáo viên thỉnh giảng, trong đó nhiều người đã nghỉ từ lâu nhưng vẫn còn được nêu tên như: Giáo sư Đỗ Hoàng Toàn, tiến sĩ Dương Xuân Thành, giảng viên chính Nguyễn Tô Thành, giảng viên chính Đỗ Văn Công…
Ngoài ra, từ tháng 4.2012 đến nay trường không có hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách đào tạo và cả trưởng phòng đào tạo. Vậy nhưng Bộ vẫn cho trường này triển khai đề án tuyển sinh riêng.
Không đảm bảo cơ sở vật chất, vi phạm tuyển sinh
Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà vi phạm về tuyển sinh bị đề nghị dừng hoạt động nhưng năm nay vẫn được Bộ cho tự chủ tuyển sinh.
Cuối năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP.Hà Nội đã rà soát và kiểm tra hoạt động của các cơ sở đào tạo trên địa bàn, phát hiện Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà không có trụ sở ở Hà Nội nhưng vẫn tuyển sinh trong nhiều năm liền. Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với Bộ cho trường này dừng hoạt động. Vậy nhưng năm nay trường vẫn công bố hoạt động tại cơ sở vi phạm và còn được tự chủ tuyển sinh với 650 chỉ tiêu.
Tại đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị không đủ điều kiện hoạt động. Thời điểm đó Báo Thanh Niên đã có bài phản ảnh về thực trạng của trường này với bài viết: Trường đại học không có trường, không có hiệu trưởng. Trường thành lập từ 2007 nhưng đến nay chưa có cơ sở vật chất ổn định, di chuyển nhiều địa điểm. Cơ sở vật chất của trường đang thuê ở một tòa nhà rộng chừng 400 m2, không có khuôn viên, không đảm bảo môi trường sư phạm. Trường cũng không có hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo. Đội ngũ giảng viên cơ hữu chỉ có 7 người. Trường đã liên tiếp vi phạm trong tuyển sinh từ năm 2009 - 2011 vì cho thí sinh có giấy báo điểm giả vào học. Đoàn kiểm tra đã đánh giá thực trạng của trường không tương xứng với yêu cầu của một trường ĐH và kiến nghị Bộ cho đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, đến nay trường chưa hề bị xử lý mà vẫn được tuyển sinh 400 chỉ tiêu.
Không có hiệu trưởng
Trường ĐH Hà Hoa Tiên đã hơn 3 năm liên tiếp không có hiệu trưởng và hiện cũng không có trưởng phòng đào tạo nhưng năm nay vẫn được tuyển 800 chỉ tiêu. Đáng nói là điều này đã diễn ra nhiều năm liền nhưng Bộ vẫn để trường hoạt động bình thường. Điều này sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người học. Như sinh viên tốt nghiệp sẽ không thể được cấp bằng khi trường không có hiệu trưởng. Theo quy định về việc quản lý văn bằng chứng chỉ hiện hành thì chỉ hiệu trưởng trường ĐH mới có quyền cấp bằng tốt nghiệp, nếu hiệu phó thực hiện thì cùng phải có sự ủy quyền của hiệu trưởng. Như vậy, ai sẽ là người cấp bằng cho sinh viên và nếu những trường không có hiệu trưởng vẫn cấp bằng tốt nghiệp cho người học thì văn bằng đó có giá trị hay không?
Ý kiến:
Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ngay cả khi đã tuyển sinh
Chiều ngày 18.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo quy định hiện hành, những trường ngoài công lập do các địa phương quản lý nên nếu có sai phạm thì các địa phương phải thanh tra, báo cáo với Bộ thì Bộ mới có hướng xử lý. “Nếu phát hiện trường nào không đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ bị dừng tuyển sinh theo quy định hiện hành. Bộ sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ngay cả khi đã tuyển sinh. Tuy nhiên việc xử lý vẫn phải đúng quy trình và phải có đề xuất của UBND nơi trường đóng”, ông Ga khẳng định.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT giải thích về việc tại sao những trường như ĐH: Quốc tế Bắc Hà, Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã bị đoàn thanh tra liên ngành của UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ tạm dừng hoạt động nhưng vẫn được tuyển sinh. Ông Bằng cho biết: “UBND TP.Hà Nội đã tiến hành thanh tra Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ chưa nhận được kết luận thanh tra và đề xuất của UBND TP.Hà Nội về trường này. Đối với Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà thì Bộ đã nhận được báo cáo kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội và văn bản của UBND TP.Hà Nội đồng ý với đề nghị của Sở GD-ĐT về việc trường này xây dựng phân hiệu tại Hà Nội mà không thấy đề nghị xử lý sai phạm”.
|
Vũ Thơ
Nguồn: thanhnien.com.vn