Để chuyện học, thi không là áp lực
13/04/2014
Học hành, thi cử luôn là áp lực đối với học sinh, thậm chí còn gây ra những hậu quả đáng tiếc. Làm sao để các em học và thi hiệu quả? Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của các bác sĩ, thầy giáo, phụ huynh và cả học sinh.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh - Phó Trưởng phòng khám tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TPHCM)
Đừng để quá muộn
Bệnh tâm thần ở trẻ em, trong đó liên quan đến học đường ngày càng gia tăng ở mức báo động. Cụ thể, năm 2011, chỉ riêng phòng khám này đã tiếp nhận khám, điều trị cho 25.000 ca, đến 2012 tăng lên 28.000 ca và 2013 là 32.000. Điều này cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em, học sinh rất đáng báo động và phòng chống phải có nhiều giải pháp tích cực, kịp thời hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó phân làm ba nhóm phát sinh bệnh gồm sinh học, môi trường xã hội, tâm lý. Riêng về yếu tố tâm lý thì học sinh thời nay đang chịu quá nhiều áp lực từ học hành, thi cử đến tác động gia đình, bạn bè và các mối quan hệ phức tạp khác.
Ở mỗi độ tuổi, trẻ em sẽ phát triển, thể hiện sự năng động, thích hoạt động khác nhau. Vì thế, khi thấy con kém ăn, kém chơi, không linh hoạt hoặc có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hay la hét, bướng bỉnh, chống đối… phải nghĩ ngay đến nguy cơ bị các bệnh rối nhiễu tâm trí liên quan đến tâm thần. Để phát hiện sớm những triệu chứng của các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh thì người lớn - cha mẹ, thầy cô giáo phải gần gũi, chia sẻ, không tạo áp lực cho các em. Có nhiều trường hợp học trò tìm đến bệnh viện thì bệnh đã nặng và các em phải trả giá quá đắt.
Để giúp con tránh rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, mắc bệnh trầm cảm cha mẹ phải quan âm toàn diện đến con cái cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là đồng hành với con trong những thời khắc dễ bị tổn thương về tâm lý như học hành căng thẳng, gặp những vấn đề rắc rối về tình cảm, quan hệ xã hội… Khi học sinh bước vào tuổi vị thành niên, cha mẹ hãy luôn đồng hành, chia sẻ và hiểu rõ những mối quan hệ của con, tuyệt đối không được xúc phạm khi trẻ có lỗi mà phải phân tích để con nhận ra lỗi lầm và hướng thiện cho con. Khi thấy con có biểu hiện khác thường, phải đưa tới những cơ sở chuyên khoa để khám, chữa trị bệnh kịp thời. Việc phát hiện, điều trị bệnh sớm sẽ nâng cao hiệu quả phục hồi cho người bệnh. Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm thường kết hợp giữa dùng thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý.
Thầy Đồng Văn Đạt - 34 tuổi Tổ phó tổ toán trường THPT Marie Curie, Q.3, TPHCM
Cần chú trọng phương pháp học tập
Có một công việc ổn định trong tương lai luôn là niềm mơ ước của tất cả mọi người, nhưng trước hết các sĩ tử phải trải qua các kỳ thi và bước vào ngưỡng cửa đại học là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Các em cần chuẩn bị gì để đạt hiệu quả cao trong kỳ thi sắp tới? Trong nhiều năm đứng trên bục giảng tôi nhận thấy có một vài trường hợp các em ôn tập chưa đúng cách như: Phụ huynh, hoặc bản thân các em thường “chạy” đến các trung tâm hoặc lớp ôn luyện không tương xứng với sức học của bản thân, dẫn đến bị chơi vơi trong việc tiếp nhận kiến thức, học thì nhiều, mất thời gian mà không đạt kết quả. Nhiều em cứ nghĩ giải được càng nhiều đề thi đại học, cao đẳng là sẽ đậu đại học, huống gì thi tốt nghiệp, điều đó vô tình tạo cho các em một áp lực không đáng có. Trong khi đó, các em lại chủ quan không quan tâm đến các kiến thức căn bản được các thầy cô ôn tập trên lớp, không rèn luyện kỹ năng phân tích các yếu tố cấu thành câu hỏi. Vì thế, hậu quả là khi gặp các bài toán dạng “rượu cũ bình mới” thì loay hoay không biết làm sao. Nhiều em không học lý thuyết, công thức mà thường chỉ tập trung giải bài tập, do đó thiếu cái nhìn tổng thể khi giải quyết một vấn đề mà hậu quả là vừa làm bài vừa phải xem lại công thức ảnh hưởng đến tốc độ làm bài và sự linh hoạt trong tư duy… Chính vì thế, các em nên tự hệ thống kiến thức đã học dưới dạng sơ đồ sẽ giúp các em thấy được một liên hệ giữa từng mảng kiến thức đã được học.
Các em không nên thức khuya để học bài mà nên tự soạn cho mình một thời gian biểu khoa học. Trước khi học bài mới nên dành 10 phút ôn lại bài cũ và cứ như vậy cho các bài tiếp theo. Một nguyên tắc chung trước ngày thi mà theo thầy là phải khỏe về thể chất, để đến ngày thi các sĩ tử phải ở đỉnh cao phong độ của sức khỏe. Muốn làm bài thi tốt phải khỏe cả tinh thần, phải tự tin mới có kết quả tốt nhất.
Nguyễn Thị Thảo - Chuyên viên tư vấn tâm lý trung tâm ứng dụng tâm lý Rồng Việt
Gánh nặng thành tích là áp lực cho trẻ
Để tạo cho con em mình có một tâm lý thật thoải mái trước khi bước vào mùa thi cử thì cha mẹ không nên đặt quá nhiều áp lực cho con em mình, không nên vì thấy con nhà hàng xóm giỏi hơn con mình mà về bắt các em phải học thật nhiều cho giỏi, như vậy sẽ nằm ngoài khả năng của các em và đó là một nguyên nhân gây nên sự căng thẳng cho học sinh vào mùa thi cử. Cha mẹ nên động viên con em mình nhiều hơn, dành cho con những khoảng thời gian để trò chuyện tìm hiểu xem con mình đang gặp vấn đề gì trong mùa thi hay không để có thể cho các em một lời khuyên đúng đắn và hợp lý. Cùng con em mình thư giãn, xả stress sau những giờ học căng thẳng ở trên lớp, hướng các em đến những điều lạc quan vui vẻ và tích cực để tạo cho con mình tâm lý thoải mái nhất. Tóm lại, mùa thi cử đang đến gần nên việc các em gặp những khó khăn hay trở ngại về tâm lý là điều dễ nhận thấy nên các em cần có sự quan tâm và chia sẻ từ phía gia đình, người thân. Hãy tạo cho con mình bầu không khí vui tươi để các em có tâm lý vững vàng nhất trong mùa thi cử.
Từ xưa đến nay, nền giáo dục của nước ta chủ yếu dựa vào lý thuyết, ít có thực hành nên việc ông bà, cha mẹ đòi hỏi con cái mình phải đỗ đạt, phải có chức vị đã đi vào tiềm thức và đến ngày nay điều đó vẫn còn hiện hữu và chưa được xóa bỏ. Cha mẹ luôn mong muốn con mình sẽ đỗ đạt cao để mình có thể “ Nở mày nở mặt” với bà con... Cũng chính vì sợ người ngoài chê bai nên nhiều gia đình khi thấy con mình học chưa được tốt thì cố nhồi nhét cho con những cái mà con không thích hay đối với các em đó là điều không thể vì nó nằm ngoài khả năng của các em.
Theo tôi, nếu đã là cha mẹ ai cũng có tình thương yêu dành cho con của mình, ai cũng mong muốn con mình được thành công, được bay cao, bay xa thì không lẽ gì mình lại ép con mình làm những việc các em không thích, hãy ở bên định hướng con đường đi cho các em hơn là dọn sẵn một con đường để khi đi trên đó các em sẽ không biết mình sẽ phải làm gì tiếp sau vì lúc nào cha mẹ cũng đặt sẵn mọi thứ. Hãy cho con mình những thứ cần thiết hơn là bắt các em phải thế này thế kia vì cha mẹ cũng biết con mình có khả năng gì và hãy giúp các em phát huy nó hơn là vùi dập đi những nhân tài của đất nước.
Chị Thúy Hồng - Q. 12, TPHCM
Nên tạo sự thoải mái cho con em mình
Là phụ huynh thì ai cũng mang tâm lý lo lắng khi con đi thi. Thứ nhất, sợ con hồi hộp không làm bài tốt, sợ gần tới ngày thi con ăn uống không được ngon miệng... Để chuẩn bị đầy đủ cho con trong ngày quan trọng thì theo tôi, chúng ta nên tạo cảm giác thoải mái cho con khi ở nhà. Vì ở trường bé phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ thầy cô, chưa kể tâm lý sợ bị thua kém bạn bè, sợ cha mẹ thất vọng. Tôi không muốn con mình lao đầu vào học ngày, học đêm mà phải có thời khóa biểu học tập xen kẽ vui chơi một cách hợp lý. Riêng về chế độ dinh dưỡng hàng ngày dĩ nhiên sẽ phải thay đổi giúp cháu có đủ dưỡng chất. Ngoài ra, tôi cũng chủ động nhắc nhớ cháu sử dụng thêm thuốc bổ, ngủ đủ giấc để cơ thể không bị suy nhược. Theo tôi dù học ôn thi như thế nào, bằng cách gì thì cũng không nên ép cháu cố quá sức. Tôi nghĩ cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc động viên con khi đi thi, không nên ép con quá nhiều, chỉ học theo đúng sức của mình.
Về việc chọn trường của cháu, tôi nghĩ trước hết cháu phải thích, rồi chúng ta nên xem xét tới khả năng, điều kiện kinh tế gia đình. Nghề nào cũng là nghề, miễn là lương thiện, trong sạch, phù hợp khả năng và đam mê thì nên chọn, không nhất thiết phải ‘hot’.
Bảo Trân - học sinh 12A16 THPT Trần Hưng Đạo, Q. Gò Vấp, TPHCM
Đừng tạo áp lực cho chúng em
Gần tới kỳ thi, em cảm thấy khá hồi hộp, lo lắng, nhìn các bạn xung quanh ra sức ôn thi nên em sợ tốc độ của mình vẫn chưa nhanh, vả lại còn rất nhiều kiến thức phải nhớ. Do đó, em nghĩ mình nên học mỗi ngày một ít thì sẽ dễ vào hơn là dồn sức cùng một lúc vào những ngày cuối. Quả thực, em không cảm thấy áp lực trong việc bắt buộc có phải đậu đại học hay không? Em may mắn vì có cha mẹ hiểu mình, cha mẹ luôn động viên và tạo cảm giác thoải mái cho em rất nhiều, nên em nghĩ bản thân em cần cố gắng hết sức.
Nguyễn Thị Hiền - 45 tuổi, ngụ tại 11/7 Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh, TPHCM
Đừng quá đặt kỳ vọng vào con
Nhắc đến những kỳ thi của các con phải trải qua, người làm cha làm mẹ khi thấy con vất vả học tập chúng tôi còn lo lắng hơn cả chúng. Nhưng việc áp đặt, kỳ vọng vào con quá cũng chính là bạn đang tạo áp lực tâm lý cho con, từ đó gây ảnh hưởng đến tâm lý của các con rất nhiều. Qua đây, tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm đáng nhớ mà tôi đã xem đó như một bài học cho mình là không nên tạo áp lực cho con trong việc học hành, thi cử.
Vợ chồng tôi là những cán bộ công nhân viên chức nhà nước, nên tôi muốn các con phải được học hành thành tài, học phải đạt nhiều thành tích để nở mày nở mặt với hàng xóm và họ hàng. Hai con gái của chúng tôi cháu lớn học lớp 12 và bé sau đang học lớp 9, năm nào các con cũng đều đạt học sinh giỏi, xuất sắc. Như một truyền thống vốn có trong gia đình, mỗi khi ngày thi sắp đến, tôi không cho con làm gì cả cứ yên tâm học làm sao học kỳ này phải được học sinh xuất sắc và với bé sau phải có được giải Lê Quý Đôn. Tôi bắt các con sau khi học ở trường, phải ở nhà học bài, ngay cả những dịp sinh nhật bạn, tôi cũng không muốn cho con đi vì sợ con ham chơi mất nhiều thời gian…
Các con tôi vốn rất nghe lời, nên cha mẹ nói gì nghe đó. Mỗi ngày đi học về các con chỉ kịp ăn cơm xong là tự động vào bàn học, có khi 1- 2 giờ sáng vẫn thấy phòng các con còn sáng đèn. Tôi mừng thầm và nghĩ rằng đợt này con tôi chắc chắn là sẽ đạt điểm cao. Chúng chăm chỉ, cặm cụi ngày đêm học, thậm chí vợ chồng tôi không dám hỏi thăm con hay nói chuyện gì với con vì không muốn làm phiền con đang học. Khoảng thời gian đó, các con tôi ít tiếp xúc và nói chuyện với ai, kể cả cha mẹ. Dường như chúng đang vét hết mọi khả năng, sức lực của mình để chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ.
Ngày thi cũng đã đến, tôi ở nhà mong ngóng tin con, đến gần trưa nhà trường gọi điện cho tôi và thông báo con gái út của tôi vừa thi xong thì bị ngất phải nằm viện. Ngồi bên giường bệnh, nhìn thấy vẻ tiều tụy hốc hác của con, lúc đó tôi chỉ biết khóc vì thấy thương con và hối hận khi tôi đã quá kỳ vọng vào con, vô tình tạo áp lực cho con. Chỉ vì muốn ba mẹ được vui lòng mà các con phải khổ sở như thế này!
Nhóm phóng viên
Nguồn: sggp.org.vn