Lịch sử tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH- CĐ) lần đầu tiên ghi nhận một sự thực “ không thể tin nổi” là việc khá nhiều trường ĐH “hot” tốp đầu trong cả nước đã bị “ế” chỉ tiêu tuyển sinh sau khi kết thúc tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2016. Thậm chí, dù đã lường trước tình huống thí sinh “ảo” nhưng vẫn không khỏi bất ngờ khi có trường còn “ế” đến gần nghìn chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này cho thấy, cuộc “cân não” xét tuyển năm nay không chỉ xảy ra với các thí sinh mà còn đối với cả các trường…
Hầu hết các trường phải tuyển sinh bổ sung đợt 2
Cho đến thời điểm này, ngoài Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội không phải tuyển sinh bổ sung đợt 2, còn hầu hết các trường ĐH lớn, trong đó có cả những trường “hot” tốp đầu với thí sinh như ĐH Y Hà Nội, Ngoại thương Hà Nội… đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh như dự kiến với số lượng từ hơn 100 chỉ tiêu cho đến trên 1 nghìn chỉ tiêu.
Đơn cử như trường ĐH Y Hà Nội, lần đầu tiên trong lịch sử công bố sẽ phải xét tuyển bổ sung đợt 2 hơn 200 chỉ tiêu cho 8 ngành: Y Đa khoa (phân hiệu Thanh Hóa), Y học Cổ truyền, Y học Dự phòng, Dinh dưỡng, Điều dưỡng, Y tế công cộng, Khúc xạ nhãn khoa. Tương tự, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi tổng hợp kết quả tuyển sinh đợt 1 đã phải thông báo tuyển bổ sung đợt 2 gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo. Học viện Ngoại giao cũng thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của tất cả các tổ hợp môn thi (khối thi) ở các ngành đào tạo phải đạt 21 điểm trở lên (thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 vào trường tối thiểu là 2,75 điểm). Còn Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng công bố xét tuyển bổ sung đợt 2 hơn 500 chỉ tiêu cho 18 chuyên ngành vì đợt 1 tuyển chưa đủ.
Còn trường ĐH Thương mại, dù trước đó có thành lập cả một tổ phân tích điểm thi để tránh thí sinh “ảo” nhưng xem ra vẫn không giải quyết được gì nhiều khi vẫn phải xét tuyển bổ sung tới 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành. Đồng thời, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đã giảm từ 3 - 6 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 của trường. Hay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã thông báo tuyển bổ sung hơn 750 chỉ tiêu vào 34 ngành đào tạo, mức điểm nhận hồ sơ từ 16 cho tất cả các ngành. Học viện Tài chính xét tuyển bổ sung đợt 1 với 919 chỉ tiêu dành cho 6 ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển dao động từ 19 đến 25 điểm.
Chính vì thế, băt đầu từ hôm qua (ngày 21.8), các trường ĐH chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 đã công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT). Thời gian nhận đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 sẽ kéo dài đến hết ngày 31.8. 2016. Đợt này, thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng. Trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4.9.
Vì đâu nên nỗi?
Mặc dù, với quy định tuyển sinh ĐH đợt 1 năm nay, Bộ GDĐT cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành vào 2 trường. Do đó, những thí sinh điểm cao sẽ có cơ hội trúng tuyển cả hai đại học nên tỷ lệ ảo rất lớn.Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Dẫn đến hiện tượng thí sinh ảo là tất yếu.
Đang xây dựng phương án tuyển sinh năm 2017
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GDĐT và các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2017 và các năm tiếp theo. Qua thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GDĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Vì thế, Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới
|
Trả lời báo chí sau khi các trường lần lượt công khai kết quả tuyển sinh đợt 1, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo (Bộ GDĐT) cho biết, ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời 2 trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý. Thậm chí, trước khi tuyển sinh, Bộ GDĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “thí sinh ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. “Có thể nói, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển… Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Song dù việc khó nhưng không phải là không trường nào làm được. Một số trường như Trường Đại học Luật TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), Trường Đại học Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học”- bà Phụng chia sẻ.
Còn ông Bùi Đức Triệu -Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhìn nhận, một số trường tốp đầu không tuyển đủ thí sinh là do chủ quan khi không phân tích kỹ tình hình tuyển sinh năm nay. Bởi trên các dữ liệu mình có được thì khâu tính toán để tăng tỉ lệ gọi tăng thêm cho phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh là điều không dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê và dự báo của Bộ GDĐT, với kết quả điểm thi THPT Quốc gia của 70 cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì và điểm sàn thì nguồn tuyển sinh cho các trường khá dồi dào. Tuy nhiên, thực tế kết quả sau tuyển sinh đợt 1 lại đang đặt ra câu hỏi, số thí sinh (đặc biệt là thí sinh có điểm trúng tuyển cao) đã đi đâu? Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay, ngoài việc “ảo” do thí sinh có quyền đăng ký 2 nguyện vọng ở hai trường, thì thí sinh còn có nhiều cơ hội khác như đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng, các trường quốc tế, chương trình liên kết, và một bộ phận không nhỏ thí sinh du học nước ngoài nữa. Bởi phần lớn những thí sinh đi du học nhưng vẫn nộp hồ sơ xét tuyển ĐH trong nước. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tình trạng thí sinh “ảo” cũng như giảm nguồn tuyển cho các trường.
Ngoài ra, theo bà Phụng, việc xác định chỉ tiêu đào tạo của các trường cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
Hữu Thành
(laodongthudo.vn – 23/08/2016)