Thị trường lao động và việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh
23/08/2016
GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - nhận định: “Những ngành không tuyển đủ chỉ tiêu hầu hết là các ngành ít có nhu cầu xã hội. Hầu hết các trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đội ngũ là chính, chưa chú trọng vào nhu cầu thị trường lao động, do đó tuyển không đủ cũng là bình thường”.
Các ngành có thương hiệu đã tuyển đủ thí sinh
Kết thúc đợt 1 tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đều công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung; trong đó có những trường mà trước đây chưa bao giờ phải xét tuyển đợt 2 như ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa. ĐH Đà Nẵng có lường trước điều này không, thưa GS.TS?
Với quy định cho phép thí sinh được đăng ký vào 2 trường trong đợt I thì hiện tượng thí sinh ảo là điều chắc chắn xảy ra. Để chủ động chống ảo, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng đề án tuyển sinh nhóm của các trường trực thuộc (DND) với mục đích trước hết là lọc ảo giữa các trường trong nhóm.
Trong số 17.525 hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH Đà Nẵng trong đợt 1 thì có 6.141 ĐKXT theo hình thức nhóm DND, nghĩa là chọn từ 2 trường trở lên trong phiếu ĐKXT. Số thí sinh này khi trúng tuyển chắc chắn sẽ không ảo vì thí sinh chỉ chọn ĐH Đà Nẵng để đăng ký.
Ngoài số đó ra, thì các em đăng ký vào các trường ngoài ĐH Đà Nẵng, nên chúng tôi cũng biết sẽ có ảo. Tuy vậy, đợt đầu tiên ĐH Đà Nẵng đã chọn điểm trúng tuyển các chuyên ngành tương tự như năm 2015, hoặc thấp hơn từ 0,5 đến 1 điểm nên gọi dự phòng không nhiều, khoảng 15% ở các trường ĐH, nhưng số lượng thí sinh đến nhập học khá cao.
Đến nay, số lượng thí sinh xác nhận nhập học vẫn chưa đủ chỉ tiêu do hiện tượng ảo với các trường ngoài nhóm. Nhưng với những ngành mà nhu cầu doanh nghiệp cao, đã có “thương hiệu” thì hầu hết đã đủ.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như thí sinh trúng tuyển theo hình thức xét tuyển học bạ của các trường, đi học nước ngoài, một số ngành ít có nhu cầu xã hội thể hiện qua tỉ lệ sinh viên có việc làm thấp.
Thực ra chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều và rất thận trọng trong việc chọn điểm chuẩn phù hợp để số lượng thí sinh nhập học không vượt chỉ tiêu, nên một số ngành của ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế còn thiếu, nhưng chủ yếu là những ngành có yêu cầu tiếng Anh cao và học phí cao, hoặc những ngành không được ưa thích.
Năm 2015, ĐH Đà Nẵng đã tiến hành "lọc" được thí sinh ảo. Với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 2 trường, các nguyện vọng trong một trường của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau, bài toán loại thí sinh "ảo" được ĐH Đà Nẵng giải quyết thế nào, và 4 nguyện vọng cho một đợt xét tuyển có quá nhiều hay không, thưa ông?
Năm 2015, với quy định thí sinh chỉ được ĐKXT vào 1 trường trong đợt I và thông tin ĐKXT được công khai hàng ngày thì gần như không có hiện tượng ảo ở tất cả các trường. Nếu có thì chỉ xảy ra đối với các thí sinh vừa ĐKXT theo kết quả thi THPT, vừa ĐKXT học bạ nhưng số lượng không nhiều.
Năm nay, quy định của Bộ cho phép thí sinh có nhiều lựa chọn hơn, được ĐKXT vào 2 trường trong đợt I và 3 trường trong các đợt bổ sung. Do vậy, nhiều thí sinh, nhất là các thí sinh khá giỏi trúng tuyển vào 2 trường, được lựa chọn và quyết định trường nhập học sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển. Thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn và quyết định ngành nhập học. Ngược lại, các trường sẽ vất vả hơn trong công tác tuyển sinh, giảm ảo.
Tôi nghĩ hầu hết các trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đội ngũ là chính, chưa chú trọng vào nhu cầu thị trường lao động, do đó tuyển không đủ cũng là bình thường.
Tuyển sinh nhóm là cách thức để giảm tình trạng thí sinh ảo. Do là năm đầu tiên tuyển sinh theo hình thức nhóm nên số nhóm thành lập chưa nhiều, chỉ có 2 nhom là GX do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì với 12 trường và nhóm DND do ĐH Đà Nẵng chủ trì với 9 trường thành viên.
Nếu có nhiều nhóm hơn được hình thành, nhất là các nhóm trường cùng ngành đào tạo, ví dụ như nhóm trường Y Dược, nhóm trường kinh tế, nhóm trường kỹ thuật công nghệ… thì tình trạng ảo chắc chắn sẽ giảm đáng kể.
Thị trường lao động tác động đến công tác đào tạo của các trường
Có ý kiến cho rằng, năm nay là năm thứ 2 các trường thực hiện việc xét tuyển sau khi đã có điểm thi THPT quốc gia, nhưng phương thức nộp hồ sơ xét tuyển là hoàn toàn thay đổi. Trong khi đó, thí sinh được tư vấn tham khảo điểm chuẩn của năm 2015 và phân tích phổ điểm 2016 nên nhiều thí sinh vì an toàn, đã không nộp hồ sơ vào những ngành, trường có điểm trúng tuyển 2015 quá cao. Chính vì vậy, những trường top trên vẫn có tình trạng không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc thí sinh tham khảo điểm chuẩn năm trước, phổ điểm thi THPT và chỉ tiêu 2016 để lựa chọn ngành ĐKXT là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đã là dự báo thì cần xem xét đến nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển như: nguồn tuyển, nhu cầu thị trường lao động, xu hướng tuyển dụng…
Vì vậy, thí sinh phải sáng suốt lựa chọn và quyết định ngành học cho chính mình. Đối với các trường top trên, các ngành thiếu chỉ tiêu phải tuyển bổ sung thường là các ngành không “hot” hoặc có hình thức đào tạo chất lượng cao chưa thật sự hấp dẫn người học. Trong khi đó, các ngành có thương hiệu, thị trường có nhu cầu tuyển dụng lớn thường tuyển đủ dù tỉ lệ gọi dự phòng không nhiều.
Rõ ràng, thị trường lao động đã có tác động lớn đến việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh và thông qua đó sẽ tác động đến công tác đào tạo của trường. Ví dụ rõ nhất là vài năm trở lại đây ngành Tài chính ngân hàng, tàu thủy… tuyển sinh khó khăn, trong khi ngành cơ khí, công nghệ ô tô…thì ngay cả bậc cao đẳng cũng rất được thí sinh chọn lựa.
Tôi nghĩ từ nay, việc kiểm định độc lập cơ sở giáo dục đại học, xếp hạng, phân tầng đại học, năng lực giảng viên, bao gồm cả giảng dạy và nghiên cứu, cơ sở vật chất và tỉ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp – thực chất – sẽ quyết định tất cả.
Xin cảm ơn GS.TS!
Hà Nguyên
(giaoducthoidai.vn – 23/08/2016)