Học phí nhìn vậy mà không phải vậy
Học phí tăng vốn đã là câu chuyện gây nhiều âu lo cho người đi học. Nhưng ngoài khoản học phí đang phình to ra ấy, sinh viên không ít trường đang phải đóng thêm những khoản lạ kỳ đến khó tin khác. Câu chuyện thu phí ở trường ĐH Công nghiệp đang khiến không ít sinh viên thắc mắc.
Đóng thêm 1.750.000 đồng phí tiếng Anh chuyên ngành
Tiếng Anh chuyên ngành là một phần trong khung chương trình học tiếng Anh của sinh viên nhiều trường. Tiền học tiếng Anh chuyên ngành những tưởng nằm trong tiền học phí quy định. Nhưng ở trường ĐH Công nghiệp thì không phải vậy. Để được học môn này, mỗi sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội phải trả thêm 350.000 đồng bên cạnh tiền học phí quy định chung.
Khi vào học tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mỗi sinh viên phải đóng thêm 350.000 đồng/kỳ để học tiếng Anh lấy chứng chỉ. Sau khi học xong bốn kỳ (với tổng số tiền phải đóng là 1,4 triệu đồng), lấy được chứng chỉ rồi, sinh viên cứ ngỡ sẽ không còn phải đóng tiền học tiếng Anh nữa. Vậy nên, khi nhà trường thông báo đóng học phí kỳ thứ 5, nhiều sinh viên “chết đứng”. Số tiền này được lý giải trong thông báo là tiền học ngoại ngữ.
Điều này khiến cho sinh viên không khỏi thắc mắc. Bạn Đ. M. H. (sinh viên khoa Công nghệ thông tin, hệ Cao đẳng) bức xúc: “Bốn kỳ trước, ngoài tiếng Anh học trên lớp, bọn mình được học thêm hai buổi mỗi tuần để lấy chứng chỉ. Còn kỳ này, tiếng Anh chuyên ngành học bình thường như các môn học khác trên lớp, vậy tại sao lại phải đóng thêm 350.000 đồng?”.
Trước tình hình phải đóng thêm một khoản tiền vô lý như vậy, không ít sinh viên đã gửi thắc mắc với các thầy cô nhưng chỉ nhận được câu trả lời là điều này không nằm trong phạm vi giải quyết của các thầy cô. Sinh viên gửi thắc mắc lên phía nhà trường thì không nhận được hồi âm.
Không chỉ dừng lại tại đó, nhiều sinh viên còn phản ánh, đến kỳ học thứ 6, tức là khi không còn học tiếng Anh, trong danh sách tiền học phí của hai hệ Cao đẳng khối Kinh tế K9 và Cao đẳng Kinh tế khối Kỹ thuật K9 vẫn có 350.000 đồng tiền học Tiếng Anh. Chuyện vô lý này khiến cho hàng loạt sinh viên của hai hệ bức xúc và phản ánh lên nhà trường. Sau đó, số tiền này mới được quyết định lại là không phải đóng.
Học lại với phí 15.000 đồng/tiết học
Tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, sinh viên muốn học lại phải đóng số tiền cao gấp nhiều lần so với tiền học phí. Cụ thể là 15.000 đồng cho một tiết học thực hành và 10.000 đồng cho một tiết lý thuyết. Như vậy, học lại một trình lý thuyết (15 tiết) sẽ phải đóng 150.000 đồng và học lại một trình thực hành (30 tiết) sẽ phải đóng 450.000 đồng. Với một môn học có 3 trình, 2 trình lý thuyết (30 tiết học) và một trình thực hành (30 tiết học), sinh viên sẽ phải đóng 750.000 đồng để học lại, tức là bằng với số tiền học phí cả một kỳ học của hệ cao đẳng theo quy định của Chính phủ.
Một sinh viên Khoa Điện tử nói: “Kỳ học vừa rồi mình phải học lại hai môn là môn Lập trình Window (LTW) và Cơ sở dữ liệu (CSDL). Môn LTW có 2 trình lý thuyết (30 tiết học) và 2 trình thực hành (60 tiết học), mình phải đóng phí học lại là 1,2 triệu đồng. Môn CSDL có 4 trình lý thuyết (60 tiết học) mình phải đóng 600.000 đồng nữa. Vậy là hai môn học lại mình phải đóng đến 1,8 triệu đồng, gấp hơn hai lần học phí phải đóng theo quy định. Có người bạn của mình học lại 3 môn, phải đóng phí học lại lên đến 2,4 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của Sinh Viên Việt Nam, phí học lại tại các trường đại học kỹ thuật khác thấp hơn rất nhiều so với quy định của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, phí học lại cũng được tính theo trình, không có sự phân biệt giữa lý thuyết và thực hành.
Phí học lại của một trình (15 tiết) chỉ là 72.000 đồng, tức là chưa bằng một nửa tiền học lại một trình lý thuyết của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ở trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, phí học lại còn thấp hơn, sinh viên chỉ phải đóng 50.000 đồng/trình học (15 tiết), tức là chỉ bằng 1/3 phí học lại một trình lý thuyết của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Đóng tiền hai lần cho một môn học
Tình trạng này diễn ra tại lớp học Điện tử 2K3, khoa Điện tử. Đây là lớp học được đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo phản ánh của sinh viên thì trong học kỳ 2 (kỳ học trước), sinh viên lớp Điện tử 2K3 có đăng ký học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và đã đóng học phí (số tiền là 210.000 đồng) nhưng sau đó do không sắp xếp được lớp học nên môn học này phải hoãn sang kỳ 3.
Về số học phí mà sinh viên đã đóng, thầy Chủ nhiệm Khoa cho biết sẽ được chuyển sang học kỳ 3. Điều đó có nghĩa là ở kỳ 3, sinh viên sẽ không phải đóng tiền học phí cho môn học này. Tuy nhiên, khi cầm thông báo đóng học phí kỳ 3, sinh viên lớp Điện tử 2K3 không khỏi bức xúc khi vẫn phải đóng tiền học phí cho môn học này trong kỳ học.
Sinh viên H. M. T. cho biết: “Khi đến Phòng Tài vụ đóng học phí, bọn mình mới biết là phải đóng thêm tiền học, thắc mắc với Phòng Tài vụ thì chỉ nhận được câu trả lời là danh sách ghi như thế nào thì cứ đóng như vậy, thế là sinh viên đành phải đóng thêm 210.000 đồng”.
Sinh Viên Việt Nam đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo nhà trường nhưng bị từ chối với lý do bận không thể tiếp. Chúng tôi hy vọng rằng, sẽ nhận được phản hồi sớm từ phía nhà trường trước những băn khoăn về quyền lợi chính đáng của sinh viên.
08/05/2010 – svvn.vn