Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Hàng loạt trường trung cấp y, dược có nguy cơ... đóng cửa

21/09/2016

Liên Bộ Y tế và Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 26 quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật. Theo đó, từ năm 2018 trở đi, các trường trung cấp (TC) sẽ ngưng tuyển sinh và đào tạo, từ năm 2021 ngừng tuyển dụng hệ điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y học và từ 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ TC trong toàn ngành Y tế.

"Trắng" tuyển sinh

Mùa tuyển sinh 2016, nhiều trường TC khối y, dược cho biết, lượng thí sinh tuyển được giảm 50 - 60% so với những năm trước. "Số phận" của hàng loạt trường đang đứng trước nguy cơ... "đóng cửa".

Lãnh đạo nhiều trường TC y, dược cho biết, họ "đang ngồi trên chảo lửa" vì dù hạn dừng đào tạo là năm 2018 và không tuyển dụng vào năm 2021 nhưng nó lập tức tác động đến lựa chọn của học sinh và phụ huynh ngay trong năm nay.

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực tế, mùa tuyển sinh 2016, tất cả các trường  TC y, dược dân lập, tư thục, thậm chí công lập trên cả nước "trắng tuyển sinh". "Thông tư 26 đã "bóp chết" tức thời, không cho chúng tôi nói lên tiếng nói" - ông Sáng bức xúc.

Chung "số phận", ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường TC Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Nguồn sống của các trường là học sinh, nhưng Thông tư 26 đã chặn đứng nguồn sống của chúng tôi. Năm nay, tuyển sinh của trường giảm 50%, kể cả các ngành "hot" như y hay dược.

Bi đát hơn, ông Phan Văn Các, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Y dược Hà Nội cho biết: Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.200 nhưng không tuyển sinh được bao nhiêu, so với những năm trước giảm tới 60%. Cá biệt, có những ngành như điều dưỡng không tuyển được thí sinh nào.

Ông Phạm Văn Minh, Hiệu trưởng Trường TC Y dược Tuệ Tĩnh trần tình: Trường chúng tôi có truyền thống 25 năm, nhưng hiện nay đang rất khó khăn vì toàn bộ mảng TC y, dược đều không tuyển sinh được. Năm 2016, trường chỉ tuyển sinh bằng 1/4, 1/5 năm 2015, 2014. Nguyên nhân chính là quy định ngưng tuyển sinh của Thông tư 26. Quy định này chẳng khác nào “chặt chân chặt tay” các trường TC y, dược.

Cần lộ trình

Việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực ngành Y tế bắt đầu từ năm 2021 là 1 tín hiệu tốt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hội nhập với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường TC cho biết, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực...

Nói về Thông tư 26, ông Đặng Văn Sáng thẳng thắn: “Một thông tư ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường mà nhà trường không hề biết. Thông tư được ký vào tháng 10/2015 nhưng phải đến đầu tháng 5/2016, khi Bộ Y tế triển khai đến các cơ sở y tế chúng tôi mới biết”.

“Khi Nhà nước cần, Nhà nước kêu gọi, chúng ta hưởng ứng, đầu tư. Nhưng giờ Nhà nước nói không cần là không cần ngay. Vậy tài sản, công sức của chúng ta có nguy cơ phá sản thì ai chịu trách nhiệm” - ông Sáng bức xúc.

"Chúng tôi sẽ rất vui nếu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ khác chỉ cho biết các trường đào tạo không đáp ứng ở chỗ nào để sửa, nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ Y tế, Bộ Nội vụ ban hành văn bản vội vàng, không lấy ý kiến của các trường. Tôi cho rằng, các bộ nên dũng cảm thay đổi, kéo dài thời gian hiệu lực để người dạy và người học không bị nao núng” - ông Sáng nói.

Đứng trước sự sống còn, mới đây 16 trường TC đào tạo ngành sức khỏe tại TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các cơ quan cấp cao của Nhà nước kiến nghị về việc sửa lại và tạm ngừng thực hiện Thông tư 26 bởi Thông tư này đã ảnh hướng tới sự sống còn của 135 cơ sở đào tạo TC chuyên nghiệp nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực y tế và có tác động tâm lý đến khoảng 5.000 giáo viên, hàng trăm nghìn học sinh đang theo học và những người tốt nghiệp ngành này chưa có việc làm.

Hải Hà
(thanhtra.com.vn – 21/09/2016)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]