Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

“Đuối” do tăng chỉ tiêu

26/10/2012

 

Năm 2012, hầu hết trường ĐH ngoài công lập và ĐH tự chủ tài chính đều ồ ạt tăng chỉ tiêu tuyển sinh, có trường tăng gấp 2-3 lần so với năm 2011. Tuy nhiên đến cuối mùa tuyển sinh, rất nhiều trường không đạt được chỉ tiêu đăng ký. Việc xác định chỉ tiêu có thực sự đúng với năng lực đào tạo của trường và nhu cầu xã hội?

 

Khó tuyển đủ chỉ tiêu

 

Một trong những trường ĐH công lập tăng chỉ tiêu mạnh là Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: từ 8.500 (năm 2011) lên 10.000 (năm 2012), tăng 1.500. Tuy nhiên, trường đang khó khăn khi phải thông báo xét tuyển đến đợt 3 gần 1.400 chỉ tiêu với mức điểm thấp hơn các đợt trước từ 0,5-2,5 ở các ngành. Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết hiện mỗi ngành vẫn thiếu khoảng 30-50 chỉ tiêu nên trường sẽ vẫn tiếp tục tuyển thêm một đợt nữa.

 

Năm 2012, hầu hết trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Một trong những trường ĐH có chỉ tiêu năm 2012 tăng vọt so với năm 2011 là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, từ 3.400 lên 9.000 (tăng 5.600). Tuy nhiên, đến nay, trường mới tuyển được khoảng 80% so với chỉ tiêu. Trường ĐH Hồng Bàng từ 3.600 đã tăng lên 4.400 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này chỉ mới tuyển được khoảng 70%. Trường ĐH Cửu Long năm nay tăng 750 chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng đến thời điểm này, cả 2 hệ ĐH, CĐ cũng mới tuyển được khoảng trên 50%...

 

Các trường CĐ có chỉ tiêu tăng mạnh so với năm 2011 cũng đang đứng trước nguy cơ không tuyển đủ. Trong đó, Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn từ 1.500 tăng lên đến 3.000 chỉ tiêu, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam từ 750 lên 1.500 chỉ tiêu, Trường CĐ Bách Việt từ 1.300 tăng lên 2.200 chỉ tiêu… Tuy nhiên, hiện các trường cũng đang chật vật để tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó nhiều ngành học khó lòng tuyển đủ.

 

Tiêu chí mơ hồ

 

Theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và TCCN, tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30 (đối với các nhóm trường khác như y-dược: hệ ĐH 15, hệ CĐ 20; nghệ thuật, TDTT: hệ ĐH 10, CĐ 15). Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, CĐ, bình quân một sinh viên không thấp hơn 2 m2.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí để các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh còn mơ hồ, thiếu thực tế. Một chuyên gia về giáo dục ĐH phân tích “diện tích sàn xây dựng” có nghĩa là phải do trường xây dựng trên đất của mình nhưng hiện nay, nhiều trường chưa có một mảnh đất cắm dùi, cơ sở thuê mướn vẫn tăng chỉ tiêu.

 

Ngoài ra, tỉ lệ sinh viên - giảng viên cũng chỉ là con số tương đối vì vấn đề này còn phụ thuộc vào sự trung thực của các trường. Thực tế, cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT đã thanh tra và phát hiện rất nhiều trường không đạt tiêu chí theo quy định, có nơi lên tới 40-50 sinh viên/giảng viên; diện tích sàn xây dựng nhiều trường không đúng quy định; thậm chí cơ sở hoàn toàn phải thuê mướn… Thế nhưng, năm 2012, nhiều trường vẫn ồ ạt tăng chỉ tiêu.

 

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh còn thiếu chặt chẽ. Thực tế, có ngành “xin” chỉ tiêu 100 nhưng nhiều năm chỉ tuyển được 30 sinh viên. Vậy mà năm  sau, ngành này vẫn giữ nguyên chỉ tiêu hoặc xin tăng thêm mà không giảm. Việc xác định chỉ tiêu chủ yếu dựa vào bài toán lợi nhuận và xu thế hơn là dựa trên năng lực đào tạo, nhiệm vụ và định hướng phát triển của trường cũng như nhu cầu xã hội.

 

Một số chuyên gia về giáo dục ĐH cho rằng cần có sự điều tiết chỉ tiêu hợp lý. Ngoài ra, cơ quan giám sát Nhà nước cần có giải pháp không chỉ hậu kiểm mà còn phải nghiêm túc tiền kiểm khi các trường đã được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm tuyển sinh, trong đó có việc xác định chỉ tiêu để tránh những hiệu ứng xấu.

 

Nguồn tuyển bị san sẻ

Một chuyên gia về giáo dục ĐH cho rằng nhiều trường năm nay tuyển sinh không được do nguồn tuyển khan hiếm vì điểm sàn xác định chưa đúng thực tế. Thật ra, nguồn tuyển vẫn như mọi năm chứ không biến động nhiều. Dư luận nhận thức sai rằng người học đang ít đi nhưng thực chất không phải như vậy mà là do nhiều trường tăng chỉ tiêu quá cao so với mọi năm, cùng với việc nhiều trường thành lập mới nên nguồn tuyển bị san sẻ, không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

 

GIA THÙY

(nld.com.vn)

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang