Hạ điểm chuẩn để cứu trường tư?
24/10/2012
Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách ưu tiên tuyển sinh vừa được Bộ GD-ĐT công bố (“Thí sinh ba khu vực khó khăn được hưởng ưu tiên”) trong thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế.
Theo các chuyên gia, giải pháp tình thế này để “chữa cháy” và cứu nguy cho phần lớn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập trước thực tế tuyển sinh èo uột hiện nay.
Trong khi đó Trường ĐH Cần Thơ cho biết sau khi xét tuyển bổ sung đợt 2 đã dư chỉ tiêu. Đến nay nhà trường đã kết thúc tuyển sinh nên sẽ không áp dụng chính sách ưu tiên đột xuất này của Bộ GD-ĐT.
Nhiều trường công không áp dụng
Một lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ cho rằng các thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn đến nay đều đã chọn con đường khác (đã theo học CĐ hoặc TCCN). Tuy nhiên, với chính sách mới này, nếu các trường áp dụng sẽ xảy ra tình trạng nhiều sinh viên thuộc đối tượng ưu tiên sẵn sàng bỏ học để đăng ký xét tuyển vào các ngành học bậc ĐH, CĐ gây xáo trộn trong công tác đào tạo.
Cán bộ phụ trách tuyển sinh của nhiều trường ĐH khu vực ĐBSCL cũng tỏ ra lúng túng trong vấn đề này vì khi công bố quyết định của Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn cụ thể.
“Như vậy chính sách ưu tiên được ban hành vào thời điểm này không đem lại nhiều lợi ích cho thí sinh cũng như các trường. Nếu trước kỳ tuyển sinh năm nay Bộ GD-ĐT ban hành quy định này, thí sinh có thêm lựa chọn và hợp lý hơn” - cán bộ đào tạo một trường ĐH công lập ở ĐBSCL nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, việc quy định các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ; chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định cũng không rõ ràng. Việc được tổ chức bổ sung kiến thức thêm một học kỳ có thể tạo cơ hội cho các trường tư thu thêm học phí.
“Vấn đề đặt ra ở đây là việc xây dựng chương trình, tổ chức bổ sung kiến thức theo quy chuẩn nào, ai giám sát việc này?” - một cán bộ Trường ĐH Cần Thơ băn khoăn.
Theo ThS Hoàng Xuân Quảng - phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, hiện nhà trường đã kết thúc tuyển sinh với khoảng 2.500 sinh viên nhập học (đạt 95% chỉ tiêu tuyển sinh).
“Chính sách ưu tiên vừa được ban hành này nhà trường không áp dụng trong tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại với chính sách này sẽ gây khó khăn trong công tác đào tạo, tuyển sinh của trường” - ông Quảng nói.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học sức khỏe, sư phạm với mức điểm quá thấp nay lại thêm “chính sách đặc thù” đã khiến nhiều người càng lo ngại.
“Cần phải giám sát chặt chẽ việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo bổ sung kiến thức ở các trường được áp dụng chính sách ưu tiên này’ - ông Quảng kiến nghị.
Tương tự, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Trường ĐH Tây nguyên và khá nhiều trường ĐH, CĐ công lập khác ở khu vực Tây Nam bộ, Tây nguyên đều cho biết đã kết thúc tuyển sinh nên sẽ không áp dụng hoặc không có nhu cầu áp dụng “chính sách đặc thù” vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Đồng thời cho rằng với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành, các chính sách ưu tiên cho thí sinh vùng sâu, vùng xa đều đã được áp dụng, nay lại có thêm “chính sách đặc thù” dành riêng cho ba khu vực trên là điều không cần thiết. Việc thêm ưu tiên cho các thí sinh này là điều cần cân nhắc.
“Vì mục tiêu 190 SV/vạn dân cho Tây Nam bộ”
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy hiện tại tính chung tất cả các trường ĐH, CĐ khu vực Tây Nam bộ mới tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu. Tại khu vực Tây Bắc, Trường ĐH Tây Bắc tuyển được khoảng 60-70% chỉ tiêu, ĐH Thái Nguyên các ngành nghề đều tuyển tương đối đủ... Trước khi có quyết định của Bộ GD-ĐT, ĐH Thái Nguyên đã chủ động đề xuất bộ hạ điểm sàn xuống 1 điểm riêng với ngành nông lâm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chính sách đặc thù trong tuyển sinh này hoàn toàn không phải là phương thức lấp đầy chỉ tiêu cho các trường khu vực này mà nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ tại các vùng kinh tế khó khăn.
“Theo quyết định của Chính phủ, đến năm 2015 vùng Tây Nam bộ phải đạt được 190 SV/vạn dân, trong khi thực tế tỉ lệ này hiện mới đạt 120 SV/vạn dân, chỉ đạt hơn 50% so với mức trung bình cả nước (hiện đạt hơn 200 SV/vạn dân). Đây là những vùng đặc thù, không thể áp dụng cơ chế tuyển sinh như các vùng phát triển thuận lợi khác được” - Thứ trưởng Ga nói.
Điều đặc biệt trong chủ trương này là Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung điều kiện ưu tiên xét tuyển cho học sinh thuộc 20 huyện (thị xã) vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam bộ như học sinh 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay việc bổ sung ưu tiên cho các huyện này vì trong 62 huyện nghèo theo quy định tại nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ không có huyện nào thuộc khu vực Tây Nam bộ.
“Như vậy, phải đến quy định mới này, học sinh ở 20 huyện, thị đặc biệt khó khăn của vùng Tây Nam bộ cũng sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ theo những tiêu chí cụ thể do hiệu trưởng các trường đặt ra. Tuy nhiên, không phải như học sinh 62 huyện nghèo có thể được xét tuyển ở bất cứ trường nào trên cả nước, học sinh của 20 huyện, thị khó khăn vùng Tây Nam bộ chỉ có thể được xét tuyển thẳng vào các trường thuộc khu vực này”, Thứ trưởng Ga giải thích.
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
Nguồn: tuoitre.vn
Từ năm 2013, sẽ thành quy chế tuyển sinh
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngay khi xây dựng quy chế tuyển sinh sửa đổi đầu năm 2012, những cơ chế đặc thù cho ba vùng kinh tế khó khăn đã được lưu ý, nhưng đến thời điểm hiện tại mới có thể đưa ra quy định cụ thể.
Chính sách ưu tiên này sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm 2012. Trong quy chế tuyển sinh năm 2013 trở đi, điều kiện ưu tiên xét tuyển này sẽ được áp dụng thành quy chế cứng.
|