Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh riêng thế nào ?

03/03/2015

Là trường duy nhất tuyển sinh riêng, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ sử dụng kết quả kỳ thi của trường bằng bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Kết quả này có giá trị trong vòng 24 tháng.

Tối đa đăng ký 3 ngành trong đợt 1

 

 
Nhiều trường thêm điều kiện sơ loại
Ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin về quy định sơ loại riêng của trường khi xét tuyển. Theo đó, năm 2015, trường thực hiện việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm thi trên cả nước do các trường ĐH chủ trì. Trường chỉ có thêm yêu cầu TS đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 3 môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT, từ 20 điểm trở lên. TS được hướng dẫn đăng ký sơ tuyển trên trang web tuyển sinh của trường: ts.hust.edu.vn. Mỗi TS sẽ được tự động cấp mã số cá nhân để đăng nhập, kiểm tra các thông tin đăng ký dự thi. Các TS ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện truy cập mạng, trường sẽ hướng dẫn để có thể gửi đăng ký sơ tuyển qua đường bưu điện.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết trường cũng có yêu cầu sơ loại, chỉ nhận xét tuyển những TS có điểm học lực lớp 12 từ 6,5 điểm trở lên.
T.NGUYỄN - V.THƠ
 

Ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, cho biết năm nay trường có 2 đợt thi: đợt 1 vào ngày 30 và 31.5; đợt 2 vào ngày 1 và 2.8. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội là 24 tháng kể từ ngày dự thi.

Trong đợt 1, thí sinh (TS) được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐH này theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu của đợt 1. Nếu TS không trúng tuyển đợt 1, được phép đăng ký dự tuyển đợt 2 hoặc sẽ được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung vào các ngành còn chỉ tiêu của các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG Hà Nội. Sau một tuần của mỗi đợt thi, trường sẽ công bố kết quả của đợt thi đó.

ĐHQG Hà Nội đã công bố 7 cụm thi gồm: ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), Trường ĐH Vinh (TP.Vinh), Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), Trường ĐH Hàng hải VN (Hải Phòng), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (TP.Nam Định), Trường CĐ Kinh tế tài chính Thái Nguyên (TP.Thái Nguyên). Ông Bình khẳng định TS có thể đăng ký dự thi ở bất cứ cụm thi nào phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của mình từ ngày 25.3 bằng một trong 3 hình thức: đăng ký trên mạng, gửi phiếu đăng ký qua bưu điện, đăng ký tại trường THPT nơi đang học lớp 12.

Thí sinh chọn phần đề thi tự chọn phù hợp với sở trường

Nhiều TS lo lắng bài thi đánh giá năng lực của trường không theo khối, liệu có ảnh hưởng gì đến việc ôn tập lâu nay? Ông Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho rằng bài thi có yêu cầu TS phải vận dụng kiến thức của các môn học mà các em đã được học ở trường phổ thông. Học sinh định đăng ký ngành học theo chuyên ngành nào (khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên) thì sẽ chọn phần đề thi tự chọn tương ứng, phát huy sở trường của mình ở các môn liên quan để làm bài thi. Do vậy, việc ôn thi theo khối vẫn hoàn toàn đủ kiến thức để làm bài thi năng lực của ĐH này.

Ông Vũ Viết Bình thông tin cụ thể: Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của TS gồm 180 câu hỏi, bao gồm 3 hợp phần: phần 1 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức toán học, hợp phần 2 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức ngữ văn. Cả hợp phần toán học và ngữ văn đều bắt buộc đối với tất cả TS dự thi. Phần tự chọn, TS có thể lựa chọn một trong 2 hợp phần: kiến thức khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), hoặc kiến thức khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), mỗi hợp phần gồm 40 câu. Hệ thống sẽ đếm giây theo thời gian hạn định của từng phần, kể từ lúc đề thi được hiển thị và tự động chuyển sang phần khác khi hết thời gian quy định. TS sẽ làm bài trong thời gian 195 phút để đánh giá năng lực, gồm các kiến thức trong sách giáo khoa bậc trung học và nội dung tập trung chủ yếu ở chương trình học ở sách giáo khoa lớp 12 (70%), còn lại là 20% kiến thức của lớp 11, 10% kiến thức lớp 10.

Dự kiến trong tuần này, ĐHQG Hà Nội sẽ công bố Quy chế tuyển sinh năm 2015 với những quy định cụ thể, chi tiết.

Bảo lưu kết quả thi trong 2 năm

Ông Vũ Viết Bình cho biết do tuyển sinh riêng theo bài thi đánh giá năng lực nên ĐHQG Hà Nội chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi do ĐH này tổ chức, không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ công nhận học sinh đó đã đủ điều kiện tốt nghiệp THPT hay chưa. Ngoài ra, kết quả bài thi được bảo lưu trong vòng 24 tháng kể từ ngày thi.

Để giúp học sinh làm quen với bài thi, ĐHQG Hà Nội đã công bố bài thi thử trên website của trường. Ông Đinh Việt Hải nói trên website có hướng dẫn rất cụ thể kỹ thuật làm bài để học sinh theo dõi.

ĐH Quốc gia TP.HCM: Được đăng ký vào 2 trường trong nguyện vọng 1

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐH Quốc gia TP.HCM, trong nguyện vọng 1 ĐH này sẽ cho phép TS đăng ký xét tuyển vào các ngành hoặc nhóm ngành thuộc 2 trường/khoa thành viên.

Cụ thể, trong 4 ngành/nhóm ngành của nguyện vọng 1, TS được phép đăng ký 3 ngành đầu tiên vào trường/khoa thành viên thứ nhất; ngành/nhóm ngành thứ 4 được đăng ký xét tuyển vào đơn vị thành viên thứ 2. Việc xét tuyển này vẫn tuân thủ quy trình số nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4, TS đã trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được tham gia xét tuyển nguyện vọng tiếp theo. Với các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi TS chỉ đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của một đơn vị thành viên và được sử dụng đồng thời cả 3 giấy cho mỗi đợt xét tuyển.

Như vậy, so với quy chế chỉ cho phép TS đăng ký xét tuyển vào 4 ngành cùng 1 trường ở nguyện vọng 1, quy định xét tuyển này của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có lợi cho TS.

HÀ ÁNH

Tuệ Nguyễn - Vũ Thơ
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang