Điểm sàn chưa hẳn thấp hơn các năm
11/07/2013
Kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ĐH 2013, vấn đề được thí sinh và nhiều trường ĐH quan tâm là cách tính điểm sàn mới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
- Điểm sàn sẽ do hội đồng xét điểm sàn của Bộ GD-ĐT xem xét đề xuất trình bộ trưởng quyết định. Vì vậy, khi các trường chấm thi xong, bộ có số liệu thống kê kết quả thi của tất cả các thí sinh thì hội đồng điểm sàn mới họp được. Phương thức xác định điểm sàn thế nào, mức điểm sàn bao nhiêu là phù hợp sẽ được hội đồng điểm sàn thảo luận biểu quyết theo phương thức lựa chọn đa số.
Trong công thức điểm sàn mới mà một số chuyên gia đề xuất, lấy theo đỉnh phổ điểm nghĩa là tổng điểm mà nhiều thí sinh đạt được nhất hay lấy theo điểm trung bình mỗi môn thi của từng khối thi thì điểm sàn sẽ thấp hơn 2-4 điểm so với cách tính trước đây.
Nhưng với đề thi được đánh giá là bao phủ được kiến thức cơ bản, có tính phân loại cao của năm nay, nếu mặt bằng chung thí sinh làm được bài tốt hơn mọi năm thì kể cả tính theo công thức mới, điểm sàn thấp hơn cách tính cũ nhưng chưa hẳn đã thấp hơn mức điểm sàn cụ thể các năm trước. Vì vậy, hiện bộ chưa thể trả lời được mức điểm sàn cho các khối thi.
* Bộ GD-ĐT dự báo thế nào về phổ điểm chung và điểm sàn cho các khối thi, thưa thứ trưởng?
- Năm nay, bộ đã đổi mới thành phần ban đề thi, quán triệt yêu cầu của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ không đánh đố, không nằm ngoài chương trình phổ thông, đề thi phải có tính phân loại cao. Ban đề thi năm nay đã thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của bộ. Các đề thi dù tự luận hay trắc nghiệm đều thỏa mãn các yêu cầu do bộ đề ra. Với đề thi năm nay, hi vọng phổ điểm các môn thi sẽ dịch về phía điểm số cao, giúp cho việc xác định điểm sàn dễ dàng hơn.
* Việc đưa quy định chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận liệu có thể tăng được khả năng giám sát quá trình chấm thi khi lâu nay vẫn có những tin đồn đâu đó việc chấm thi chưa thật sự nghiêm túc?
- Việc chấm thi xảy ra sai sót, chấm không đúng hai vòng độc lập, có biểu hiện đánh dấu bài đã từng được Bộ GD-ĐT phát hiện trong quá trình chấm thẩm định năm trước ở một số hội đồng thi. Năm nay, bộ bổ sung vào quy chế việc chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận nhằm điều chỉnh những sai sót trong quá trình chấm, bảo đảm sự công bằng về điểm số cho thí sinh. Quá trình chấm kiểm tra nay được thực hiện song song với quá trình chấm chính. Vì vậy, những sai sót, lệch lạc trong quá trình chấm được cảnh báo kịp thời, không đợi đến khi đoàn chấm thanh tra của bộ thực hiện như mọi năm.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào đoàn chấm thanh tra của Bộ GD-ĐT thì cũng chỉ thực hiện được xác suất ở một số trường mà thôi. Trong khi đó, quy định chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận được thực hiện ở tất cả các hội đồng thi, có tính bao quát lớn hơn và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, với quy định này, nếu trường hợp việc chấm thẩm định, chấm thanh tra của bộ sau đó phát hiện sai sót, thì trách nhiệm không chỉ còn ở cán bộ chấm thi, ở ban chấm thi chính mà còn ở ban chấm kiểm tra, tăng tính trách nhiệm cao hơn ở từng bộ phận tham gia công tác thi tuyển sinh ở từng trường ĐH, CĐ.
* Những vấn đề trong thực tiễn đã được đưa vào đề thi không chỉ thuộc khối khoa học xã hội mà cả trong môn thi thuộc khối khoa học tự nhiên sẽ đem lại sự thay đổi gì cho giáo dục phổ thông các năm tiếp theo, thưa thứ trưởng?
- Với đề thi đều theo hướng mở, có liên hệ thực tiễn, thực hành, thí sinh một mặt phải nắm vững kiến thức cơ bản của môn học, mặt khác phải biết ứng dụng những kiến thức đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đời sống. Điều này không phải chỉ liên quan đến các môn xã hội, mà ngay cả những môn khoa học tự nhiên cũng đã được áp dụng. Đề thi môn vật lý là một minh chứng cho điều này. Với cách ra đề này, cách học thuộc lòng, học vẹt, học tủ không phát huy tác dụng, góp phần đổi mới cách học, cách dạy ở phổ thông. Những kinh nghiệm tốt, được xã hội đồng tình ủng hộ trong phương thức ra đề thi những năm gần đây sẽ được tiếp tục áp dụng trong những năm tới.
Giám thị ký sai, bắt thí sinh... chép lại bài
* Tại đợt thi khối A, hội đồng thi Trường ĐH Dược Hà Nội đã xảy ra một sai sót được đánh giá là nghiêm trọng khi giám thị ký nhầm vào ô giám khảo, rồi bắt thí sinh chép lại bài. Liệu thí sinh phòng thi này có được cộng điểm vì bị mất thời gian làm bài do chép lại, thưa thứ trưởng?
- Việc giám thị ký nhầm ô giám khảo tại một phòng thi của hội đồng thi Trường ĐH Dược Hà Nội là một hành vi vi phạm quy chế. Song điều đáng nói ở đây là giám thị đã không báo cáo cho điểm thi để có hướng xử lý đúng mà lại đổi giấy thi mới yêu cầu thí sinh chép lại bài sau khi giờ làm bài đã được 15 phút. Như vậy, cách xử lý của các giám thị này đã khiến thí sinh bị thiệt thòi về thời gian làm bài so với quy định chung. Sự nhầm lẫn trong vị trí ký giấy thi chứng tỏ giám thị hời hợt, thiếu trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ. Cả hai trường hợp giám thị này đã bị đình chỉ nhiệm vụ ngay. Năm 2011 đã có hai giám thị ở Trường Sĩ quan thông tin vấp phải sai lầm nghiêm trọng, yêu cầu thí sinh chép lại bài vào tờ giấy thi mới khi thời gian bắt đầu làm bài đã qua khá lâu. Điều này buộc ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH phải sử dụng đề thi dự bị cho những thí sinh này thi lại. Nếu ký nhầm ô mà giám thị kịp thời báo cho điểm thi thì phương án giải quyết sẽ đơn giản hơn như thay vì chấm độc lập hai vòng thì các bài thi có thể phải chấm tập thể.
Hiện tại, hội đồng thi của Trường ĐH Dược Hà Nội đang xác minh xem việc chép lại bài ảnh hưởng thế nào đến thí sinh và phải đề xuất phương án, báo cáo để bộ ra quyết định xử lý trong quá trình chấm thi cho phù hợp. Theo báo cáo, phòng thi này có khoảng 30 thí sinh. Trong bất cứ tình huống nào do sai sót của cán bộ coi thi thì bộ luôn xử lý theo hướng bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
|
NGỌC HÀ thực hiện
Nguồn: tuoitre.vn