TS Lê Thống Nhất 'mách nước' để TS chiến thắng trong kỳ thi ĐH
03/07/2013
Ngày mai (4/7) thí sinh bắt đầu "vượt vũ môn" với môn Toán, nhiều thí sinh đang bày tỏ quyết tâm đỗ vào trường mình đăng kí bằng cách trước mắt thi thật tốt ở môn đầu tiên này. Để giúp thí sinh thêm sự tự tin, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi nhỏ với TS phương pháp giảng dạy Toán Lê Thống Nhất về cách giữ thăng bằng trong khi làm bài.
PV: Đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sắp diễn ra, đến lúc này sĩ tử đều có chặng nước rút cho riêng mình. Tuy nhiên, với những thí sinh lần đầu tiên đi thi sẽ rất bỡ ngỡ, nhất là tâm lí tham gia vào một kỳ thi lớn. Ông có chia sẻ gì với thí sinh để có tâm lí tốt nhất bước vào kỳ thi?
TS Lê Thống Nhất: Ai là thí sinh đi thi Đại học cũng có tâm lý hồi hộp và nếu không giải toả tốt sẽ gây nên trạng thái căng thẳng. Bởi vì đây là kỳ thi mà các bạn rất bị sức ép.
Sức ép nhẹ là vì danh dự bản thân, vì những câu hỏi về tương lai…còn sức ép nặng nhiều khi do chính những người thân tạo ra khi cho rằng con em mình phải thi đỗ bằng được. Thời con gái mình ôn thi Đại học, nhiều khi hơn 1 giờ sang mà vẫn thấy sáng đèn từ phòng con, tôi đã lên nói với con : “Đừng căng thẳng lo lắng quá! Con phải ngủ để giữ sức…trượt cũng được!”.
Nếu các bạn học sinh nắm vững kiến thức rồi thì yếu tố tâm lý cũng sẽ tốt hơn. Những bạn cảm thấy kiến thức còn nhiều điều chưa nắm được thì sự lo lắng, bỡ ngỡ càng tăng lên. Tốt nhất các bạn hãy vui vẻ với chính mình, coi việc đi thi lần đầu chỉ là một lần thử sức (!)
PV: Với mỗi môn thi, trước khi làm bài thí sinh cần chuẩn bị những gì để tránh rơi vào thế bị động thưa ông?
TS Lê Thống Nhất: Mình nhớ hồi mình đi thi hoặc phải làm một việc quan trọng thì mình thường ngủ sớm và dậy sớm. Mọi ngày ít khi dậy sớm và tập thể dục…nhưng hôm ấy lại tập thể dục một cách bài bản. Điều này tạo cho cơ thể sự sảng khoái và khoẻ khoắn.
Ngoài chai nước uống, bao giờ mình cũng mang theo một khăn mặt ướt đặt trong túi ni lông để có thể lau mặt cho tỉnh táo khi cảm thấy căng thẳng trong phòng thi. Khi đến phòng thi không nên đứng một mình mà nên tiếp xúc trò chuyện với bạn bè hoặc người thân để tránh bớt trạng thái hồi hộp.
Các đồ dùng học tập cần thiết phải chuẩn bị đầy đủ. Đặc biệt cần đọc toàn văn đề thi và nhận định xem câu nào mình đã có hướng giải để ưu tiên làm trước những câu này.
Nếu thấy có câu chưa nghĩ ra hướng giải thì hãy nghĩ rằng : “Khi làm xong một số câu để có số điểm nhất định, biết đâu sự hưng phấn sẽ giúp mình nghĩ ra cách giải”. Khi bắt tay vào làm bài…không nên để ý đến giám thị..cũng là cách tránh những ảnh hưởng từ giám thị gây sự ức chế cho mình.
PV: Với đề Toán có câu hỏi lạ (khó) thí sinh cần làm gì để gỡ thế bối rối ban đầu?
TS Lê Thống Nhất: Nếu thấy một hai câu lạ mà bạn chưa phải là học sinh giỏi thì bạn có quyền tạm gác những câu này ra, thậm chí không cần nhìn đến nữa. Bởi vì với lực học chưa giỏi thì bạn rất khó giải quyết được một hai câu này.
Khi đó bạn hãy làm cẩn thận những câu khác và bạn có quyền hy vọng được 8 điểm và nếu môn nào cũng thế…bạn hoàn toàn có rất nhiều khả năng để thi đỗ. Lưu ý rằng, có năm mà đề thi môn Toán có câu chỉ vài bạn làm được. Bạn không làm được câu lạ ấy thì bạn chỉ thua rất ít người, mà thua ít người thì chắc chắn bạn sẽ chiến thắng trong kỳ thi Đại học.
Nên nhớ : “Không làm được câu khó chưa chắc đã trượt, còn làm nhầm câu dễ thì bạn sẽ thua rất nhiều người và khả năng trượt rất cao !”. Đối với các bạn học sinh giỏi thì vẫn có thể ban đầu nhìn vào một câu nào đó thấy lạ. Hãy để câu ấy nghĩ cuối cùng và hãy nghĩ rằng : “Tuy lạ nhưng câu này có gần với câu nào quen không ?”.
Bởi vì khi bạn là học sinh giỏi thì những dạng toán quen sẽ đủ để bạn liên tưởng câu lạ này với một loại toán quen nào đó. Nếu nghĩ thế mà cũng không được thì có nghĩ là: câu này không dành cho bạn và bạn hãy phấn đấu để chỉ được…9 điểm thôi !
PV: Trong quá trình làm bài, để tránh mất thời gian, nhất là môn Toán cần phải tính toán rất nhiều, lúc đó thí sinh thường lúng túng dẫn đến bài làm không được như ý. Ông có lời khuyên nào cho thí sinh trong quá trình làm để đỡ tốn sức vào những câu hỏi dạng đánh đố?
TS Lê Thống Nhất: Những câu hỏi có tính đánh đố đã giảm nhiều trong đề thi Toán những năm gần đây. Đặc biệt các đề thi Toán những năm gần đây cũng ít có câu đòi hỏi tính toán phức tạp.
Để tránh mất thời gian lãng phí thì việc bạn quyết định làm ra giấy nháp cái gì mới quan trọng hơn. Với những câu đã có đường lối giải thì bạn nên làm ngay vào giấy thi và làm từng bước cẩn thận. Nhiều bạn tuy biết đường lối mà vẫn làm ra giấy nháp hoàn chỉnh rồi mới chép vào giấy thi là lãng phí thời gian.
Thậm chí do làm ở giấy nháp nên sự cẩu thả tăng lên dễ dẫn đến sai sót và đã có những tình huống bài làm ở giấy nháp là đúng nhưng khi chép thụ động vào giấy thi lại chép sai nên dẫn đến lời giải sai. Tóm lại chỉ nháp để tìm đường lối giải hoặc thực hiện các phép tính phức tạp. Nếu bạn thấy câu hỏi “đánh đó” quá thì nên bỏ hẳn câu này để đỡ tốn sức !
PV: Khi làm tới câu sau thí sinh mới nhận ra câu trước của mình chưa đúng thì cần phải bình tĩnh xử lí như thế nào thưa ông?
TS Lê Thống Nhất: Nếu bạn thấy câu nào sai thì bạn chỉ cần gạch chéo toàn bộ câu ấy và làm lại ở phần sau. Nhiều bạn thấy sai câu trước khi làm xong câu sau đã dại dột làm lại toàn bộ phần đã viết vào tờ giấy mới, làm mất thêm nhiều thời gian. Bạn đừng sợ khi gạch chéo phần giải sai, giám khảo sẽ không đọc nữa và chỉ chấm những phần bạn chưa gạch. Không ai trừ điểm khi bạn gạch đi phần giải sai !
PV: Ông có gửi lời chúc gì tới các sĩ tử trong đợt thi đầu tiên tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013?
TS Lê Thống Nhất: Là một nhà giáo đã từng giúp các học sinh ôn thi vào Đại học, Cao đẳng – mình luôn cầu chúc cho các bạn may mắn ! Nhiều khi may mắn sẽ giúp các bạn không gặp những câu mà kiến thức bạn chưa vững. Xin chúc các bạn : Bình tĩnh – Tự tin – Sức khoẻ - Tỉnh táo – Chiến thắng !
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Xuân Trung (thực hiện)
Nguồn: giaoduc.net.vn