Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Điểm sàn: Bỏ hay giữ?

20/02/2014

Cho dù có nhiều nỗ lực cải tiến phương án điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng đến năm 2014 lại một lần nữa ngành GD&ĐT loay hoay tìm phương án mới: Bỏ hay giữ điểm sàn?

Chưa có lời giải

Ông Văn Đình Ưng, chuyên viên Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) khẳng định: Hiệp hội chúng tôi kiên trì giữ quan điểm là không có lý do gì để giữ (ĐS). Nếu Bộ vẫn tổ chức thi ba chung nên cho các trường tự đặt ra ngưỡng của mình, tức là ĐS của từng trường mà không nên chỉ cho ra một điểm sàn chung cho tất cả các trường. 

Theo đó, các trường tự đặt sàn xét tuyển cho phù hợp. Đặt cao hay đặt thấp là tùy thương hiệu và uy tín của trường. Nếu trường nào để ĐS bi đát quá thì sẽ mất uy tín.

Theo ông Vũ Quốc Thái, Phó Ban Đào tạo ĐHQG HN, ĐS được đặt ra là do mục tiêu quản lý đầu vào của Bộ. Tuy nhiên, khá nhiều trường không quan tâm, vì ĐS không ảnh hưởng việc tuyển sinh. Ông Thái cũng cho biết, Bộ đang có đề án đổi mới tuyển sinh theo một lộ trình đổi mới căn bản toàn diện hơn.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG HN thì cho rằng, nên giữ ĐS nhưng phải cải thiện thế nào để phù hợp tùy theo trường, tùy theo lĩnh vực nhưng không được quá thấp. Ông Nghĩa lấy ví dụ ở nước ngoài, có trường lấy điểm IELTS là 6,5 có trường lấy 5,5 và chắc chắn chả có trường nào lấy 3,0 cả. 

Theo ông Nghĩa, nếu thi chung thì phải có ĐS, nếu xét tuyển thì phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng được công nhận. Ông Nghĩa nhận xét, “nhìn chung chúng ta còn lúng túng về ĐS. Lý do là chưa rõ đường hướng của khoa học đánh giá, đo lường trong giáo dục- chưa nghiên cứu kỹ mới lúng túng như vậy”.

GS TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQG HN, nay là Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQG HN cho rằng, mục tiêu của ĐS là đặt ngưỡng tối thiểu; nếu không có ĐS thì bất kỳ người nào cũng có thể đỗ và thi bao nhiêu điểm cũng đỗ. 

TS Nhuận nhấn mạnh: Vấn đề ở chỗ là cần giải bài toán để các ngành, các trường khó tuyển có thể tuyển đủ người học. Theo ông Nhuận, các trường ĐH, CĐ, cả công lập lẫn ngoài công lập, phải nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội để nâng cao uy tín.... chứ không phải hạ điểm sàn xuống để đạt mục tiêu có người học.

Xuất hiện cách làm mới

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, do đặc thù ở miền núi, học sinh không có nhiều điều kiện học tập như ở miền xuôi nên năm nay, ĐH Thái Nguyên kết hợp cả thi tuyển lẫn xét tuyển cho các ngành khác nhau.

Đối với các ngành thuộc khối nông-lâm, hệ CĐ và một số ngành hệ ĐH sẽ không thi tuyển và chỉ xét tuyển dựa vào kết quả 3 môn học của 5 học kỳ (từ lớp 10 đến học kỳ 1 lớp 12) và sẽ xét thêm theo kết quả ba chung theo quy chế của Bộ nếu chưa đủ thí sinh. 

Với các ngành sư phạm, nhạc họa, giáo dục thể chất, nuôi dạy mẫu giáo mầm non sẽ vừa tổ chức thi năng khiếu với môn năng khiếu và xét tuyển những môn văn hóa phù hợp yêu cầu. Những ngành trọng điểm và có yêu cầu cao như ngành Y thì nhất định phải thi, ông Kim Vui nói, và nhất định phải có một ngưỡng đảm bảo chất lượng, đó là ĐS. 

Ông Vui chia sẻ: Theo kinh nghiệm đào tạo, nếu thí sinh đạt điểm yếu, đào tạo rất vất vả; nếu nền kiến thức cơ bản không đủ để tiếp thu kiến thức của một bậc học, ngành học thì là thảm họa. Vì vậy, xét tuyển hay thi tuyển phải tùy từng ngành và đã thi ba chung, phải có ĐS!

Hồ Thu
Nguồn: tienphong.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang