Đề nghị bỏ thi đại học là trái luật
14/01/2014
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, nhiều đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mới đây về tuyển sinh ĐH - CĐ đã vi phạm quyền tự chủ.
Thưa GS, mới đây, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ ngoài công lập có đề xuất với Bộ GD&ĐT “5 bỏ”, trong đó có bỏ điểm sàn, bỏ khối, bỏ thi ĐH - CĐ, bỏ quy định nộp đề án tuyển sinh. GS nhận định thế nào về kiến nghị này của Hiệp hội?
- Luật Giáo dục ĐH đã giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo ĐH tuyển sinh. Từng trường có quyền tổ chức thi tuyển hay xét tuyển, tham gia kỳ thi “3 chung” hay tham gia kỳ thi của một trường nào đó. Cũng không ai nói là các cơ sở giáo dục ĐH phải lấy kỳ tuyển sinh tốt nghiệp THPT làm cơ sở để xét tuyển.
Nếu đề nghị như thế này hóa ra là tước đi quyền tự chủ của các trường; ép các trường theo một phương thức tuyển sinh mà Hiệp hội đó muốn.
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nói về tự chủ, nhân danh tự chủ ĐH, nhưng họ lại đề xuất một điều vi phạm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo.
Không hiểu với tư cách gì mà Hiệp hội này lại có đề nghị như vậy! Nếu có đề nghị thì Bộ GD&ĐT cũng không được quyền làm điều đó, vì đó là quyền của các cơ sở giáo dục đã quy định trong Luật.
Bởi vậy, phải xem động cơ của những đề nghị này, nhân danh cái gì, theo đuổi mục đích gì mà nhân danh quyền tự chủ đề đề nghị một cách trái với quyền tự chủ như vậy.
Về đề nghị bỏ điểm sàn ngay trong kỳ tuyển sinh 2014, quan điểm của GS như thế nào?
- Tự chủ ĐH không nói đến điểm sàn. Điểm sàn chẳng qua là một giải pháp tình thế khi chúng ta sử dụng “3 chung”, muốn có một ngưỡng nào đó để quản lý chất lượng đầu vào. Nó không phải là một yếu tố bất biến. Nếu các trường tự tổ chức tuyển sinh sẽ không còn khái niệm điểm sàn.
Bởi vậy, khái niệm điểm sàn là giải pháp tình thế. Nếu không có điểm sàn, chúng ta phải có một giải pháp khác để kiểm soát chất lượng đầu vào. Khi các trường tự tuyển sinh, lúc ấy không thể dùng điểm sàn như hiện nay được nữa. Lúc ấy, phải có sáng kiến, giải pháp mới để giải quyết vấn đề đó.
Trong thời điểm hiện nay, khi bắt đầu giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, một đề án tuyển sinh riêng đảm bảo yêu cầu có là cần thiết, thưa GS?
- Tôi ủng hộ việc các trường phải làm đề án. Vì các trường giao quyền tự chủ nhưng chuyện thực hiện quyền tự chủ với chúng ta còn mới mẻ, bỡ ngỡ; trách nhiệm xã hội cũng chưa được tin tưởng lắm.
Nếu cho anh làm, anh làm bừa thì ai chịu. Trường hợp không công nhận kết quả thi của trường thì lại ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, lại là một vấn đề xã hội.
Bởi vậy, từng trường phải tự giác làm đề án và tự mình lấy ý kiến của xã hội, phụ huynh để tự mình hoàn chỉnh đề án phù hợp với mình, đó là yêu cầu.
Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, không phải duyệt đề án mà chỉ có thể là góp ý, nhận xét hộ xem trường đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định hay chưa.
Trong tương lai, khi các trường có ý thức rất cao trong thực hiện trách nhiệm tự chủ của mình thì đúng là không nên xem đề án trước mà nên hậu kiểm. Tức, sau khi trường thực hiện sẽ kiểm tra xem họ làm có đúng quy định hay không.
Nhưng cũng phải nói rằng, nếu như vậy cũng sẽ xảy ra nhiều sự cố vì tính tự giác của các trường còn kém. Trên thực tế, chúng ta đã thấy, quy định có nhưng vẫn vi phạm. Mà khi đã vi phạm rồi, việc xử lý lại ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Bởi vậy, trong trường hợp này, tôi ủng hộ thời gian đầu, khi chúng ta còn chập chững vào chuyện tự chủ, ý thức tự giác chưa cao, năng lực tự chủ còn có cái bất cập, thì phải làm đề án. Và đề án cần phải có những cơ quan có trách nhiệm, có khả năng để đánh giá, giám sát.
Có điều, theo tôi, Bộ GD&ĐT không nên dùng chữ phê duyệt đề án vì không có quyền phê duyệt. Bộ chỉ có quyền thẩm định, góp ý, rồi xác định với cơ sở là đề án có chỗ này chỗ kia chưa phù hợp để trường sửa chữa. Ở đây chỉ là cách dùng từ thôi. Nhưng khi dùng từ đúng thì thái độ trong công việc của mình cũng đúng.
Trên tinh thần xây dựng vì cái chung, vì quyền lợi của học sinh, tôi cho rằng, nếu hiểu như vậy thì cũng không có gì là trái với tinh thần tự chủ. Vì mình vừa mới bước vào thực hiện quyền tự chủ còn bỡ ngỡ.
Trong khi đó, nhiều trường còn chưa hiểu quyền tự chủ là gắn với tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm trước xã hội. Quyền mà không gắn với nghĩa vụ, không gắn với tự chịu trách nhiệm thì rất nguy hiểm.
Đây chẳng qua là bước đầu. Còn trong tương lai, tự chủ là các trường tự làm, tự chịu trách nhiệm. Nếu làm sai sẽ bị xử lý. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh lại, trường sai thì chỉ chịu một phần, còn học trò chịu 10 phần. Lúc đó, ai chịu trách nhiệm trước trò.
Còn đề nghị bỏ khối thì sao thưa GS?
- Khi áp dụng cho một số lượng cơ sở giáo dục ĐH lớn mới đưa ra khối thi. Đây là một cách chúng ta phân ra để phù hợp với các ngành nghề tuyển sinh.
Còn với một số lượng nhỏ, các trường có thể lựa chọn khối thi cũng được, nhưng khối thi đó phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường. Ví dụ, có khối A, nhưng có trường không thi Toán, Lý, Hóa mà là Toán, Lý, Sinh thì cũng có thể được.
Từng trường, ngành học sẽ có yêu cầu cụ thể về các môn thi, yêu cầu về đề thi với từng ngành học của trường đó. Quan trọng là phải tổ chức thi, lựa chọn môn thi, lựa chọn đề thi đáp ứng với yêu cầu của từng ngành, nghề đào tạo cụ thể của trường.
Một trong những nội dung nhiều lần được Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập kiến nghị, yêu cầu thực hiện là chỉ nên có một kỳ thi quốc gia nghiêm túc, bỏ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ để làm cơ sở cho các trường tự chủ tuyển sinh. GS có đồng tình với kiến nghị này?
- Tôi đã nói ngay từ đầu, họ đề nghị như vậy là trái với tinh thần của Luật Giáo dục ĐH. Luật Giáo dục ĐH không nói đến bỏ mà chỉ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Như vậy, có cơ sở giáo dục ĐH không tổ chức thi, xét tuyển; nhưng có cơ sở vẫn muốn thi. Họ có quyền lựa chọn. Vậy thì bỏ thế nào? Đề nghị ấy trái với tinh thần của tự chủ ĐH, là tước quyền tổ chức thi của các trường.
Xin cảm ơn GS!
Hiếu Nguyễn (ghi)
Nguồn: gdtd.vn