Niêm yết trên mạng 20% học sinh miễn tốt nghiệp
09/01/2014
Trước dự thảo cho phép tối đa 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng khẳng định không dễ phát sinh tiêu cực.
PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, việc mở rộng diện miễn thi sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12 để có thể được miễn thi tốt nghiệp.
Danh sách các học sinh được miễn thi phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội giám sát. Việc phân loại học sinh miễn thi và học sinh không được miễn thi thu hút sự quan tâm giám sát của nhiều người, nhiều tổ chức trong và ngoài nhà trường. Đây cũng là một giải pháp để yêu cầu việc đánh giá học sinh phải chính xác hơn.
Quyền chủ động cho hiệu trưởng, giám đốc sở
- Thưa ông, việc giao cho sở GD-ĐT xây dựng phương án miễn thi cho các trường thuộc phạm vi quản lý có đảm bảo khách quan? Có xảy ra tình trạng “phóng điểm” để giúp học sinh được miễn thi không?
Trong dự thảo phương án đã chỉ rõ trách nhiệm của sở GD-ĐT và các trường. Sở được giao quyền trong việc xây dựng phương án miễn thi, trường là nơi trực tiếp xét miễn thi gắn liền với tự chịu trách nhiệm trước học sinh, phụ huynh và xã hội;
Các tiêu chí miễn thi, quy trình triển khai thực hiện được ghi trong dự thảo phương án. Trên cơ sở những tiêu chí cơ bản mà Bộ GD-ĐT đề xuất, các Sở cụ thể hóa thêm để hoàn thiện phương án miễn thi cho các trường thuộc phạm vi quản lý.
Ở đây đề cao giám sát xã hội, sự đánh giá của giáo viên kết hợp với đánh giá và giám sát của học sinh, phụ huynh và xã hội.
Hiệu trưởng các trường được tham gia xây dựng phương án miễn thi của Sở, thành phần Hội đồng xét miễn thi của trường do Hiệu trưởng làm Chủ tịch và có đầy đủ các đại diện của đảng, chính quyền, đoàn thể, hội phụ huynh và đại diện học sinh;
Phương án miễn thi, kết quả xét miễn thi đều phải được công khai để nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Tỷ lệ miễn thi chung của sở sẽ không được vượt quá tỷ lệ miễn thi do Bộ GD-ĐT quy định nhưng sở có thể qui định nhiều ít khác nhau giữa các trường. Tỷ lệ này sẽ được xem xét điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với thực tiễn dạy học.
Với cách làm như trên, việc “phóng điểm” sẽ không dễ dàng thực hiện và không dễ để đưa vào xét miễn thi, nhất là trong bối cảnh dân chủ ngày càng được phát huy, giám sát xã hội ngày càng chặt chẽ với sự hỗ trợ của CNTT và Truyền thông.
- Thay vì đưa ra con số 20%, tại sao Bộ không đưa ra tiêu chí cụ thể để xét miễn thi cho học sinh?
Như đã nói ở trên, Bộ dự kiến xác định tỷ lệ miễn thi của kỳ thi tốt nghiệp trong năm đầu tiên là 20%. Các tiêu chí cơ bản để xét miễn thi sẽ được Bộ đưa ra (đã có trong dự thảo phương án thi THPT).
Bộ chủ trương miễn thi cho tối đa 20% học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt nhất thuộc tốp đầu. Kết quả thống kê xếp loại học lực của học sinh THPT/GDTX và kết quả xếp loại tốt nghiệp của các tỉnh đạt từ loại khá trở lên cao hơn 20% rất nhiều.
Nếu xác định tỷ lệ miễn thi tối đa 20% nghĩa là đã xét cho những học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt nhất rồi. Tỷ lệ này có thể được điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với thực tiễn dạy học;
Đây là tỷ lệ tối đa mà các sở có thể sử dụng để xác định các học sinh miễn thi. Tuy nhiên, căn cứ vào các điều kiện cụ thể của hoạt động dạy học để sở GD-ĐT xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường sao cho bảo đảm tổng số học sinh được miễn thi của Sở không vượt quá tỷ lệ đã xác đinh.
Nếu chỉ đưa ra tiêu chí mà không khống chế tỷ lệ học sinh được miễn thi thì sẽ hạn chế vai trò giám sát của các thành phần như đã nêu trên. Chính việc khống chế tỷ lệ sẽ yêu cầu việc đánh giá, xếp loại học sinh phải chính xác dưới sự giám sát của các cá nhân, tập thể trong và ngoài nhà trường.
Công khai phương án miễn thi
- Bộ GD-ĐT có công khai danh sách, chỉ tiêu của các trường được miễn thi tốt nghiệp không?
Bộ GD-ĐT xác định những tiêu chí cơ bản để các sở GD-ĐT xây dựng phương án miễn thi; Xác định tỷ lệ miễn thi cho các sở và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các sở GD-ĐT trong việc xét miễn thi;
Sở GD-ĐT sẽ công bố công khai phương án miễn thi đã được Chủ tịch UBND Tỉnh phê duyệt, bao gồm: Tiêu chí miễn thi, tiêu chí xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường thuộc phạm vi quản lý.
Các trường sẽ thực hiện: Thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt; Công khai và xử lí các góp ý; Đồng thời, trình giám đốc sở duyệt danh sách học sinh miễn thi.
Sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi
- Với dự thảo phương án, Bộ đã có chuẩn bị gì cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, thưa ông?
Với những nội dung điều chỉnh đã nêu trong phương án, sẽ có một số vấn đề kỹ thuật của kỳ thi cần phải chủ động giải quyết. Quan điểm là bộ, sở, nhà trường chủ động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của kỳ thi, dành những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.
Cụ thể là bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, việc ra đề thi sẽ do Bộ đảm nhận, công tác tổ chức thi sẽ đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các hội đồng thi, công tác chấm thi cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn, phần mềm thi tốt nghiệp cũng phải được nâng cấp, điều chỉnh cho phù hợp.
- Cảm ơn ông!
Văn Chung (thực hiện)
Nguồn: vietnamnet.vn