Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Học phí trường tự chủ tài chính tăng, thí sinh nên cân nhắc

22/07/2016

Hiện các sinh viên K57 (nhập học năm 2015) của Đại học Kinh tế quốc dân đang khá... sốc trước thông tin trường sẽ tăng gần 30% học phí trong năm học 2016-2017 tới đây.

Đây cũng chính là chi tiết các thí sinh dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm cần lưu ý khi muốn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tự chủ tài chính, vì học phí của các trường này cao hơn các trường công chưa tự chủ tài chính và sẽ tăng theo từng năm.

Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho 14 trường đại học, cao đẳng được thực hiện tự chủ tài chính. Theo đó, các trường sẽ không được cấp ngân sách đầu tư từ Nhà nước mà phải tự hạch toán thu – chi.

Các trường đã được phê duyệt đề án tự chủ tài chính gồm Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Hà Nội, Đại học Tài chính-Marketing, Đại học Ngoại thương, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Thương mại.

Do phải tự hạch toán, tính đúng, tính đủ để lấy thu bù chi nên học phí của các trường này khá cao và sẽ tăng lên theo lộ trình hàng năm.

Cụ thể, theo Nghị định 86 của Chính phủ ban hành ngày 2/10/2015, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp ụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Trong đó, khối ngành y, dược có mức học phí cao nhất, tiếp đến là các ngành ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch.


Điều 5, Nghị định 86 của Chính phủ quy định về mức trần học phí bậc đại học

với trường tự chủ tài chính.

Học phí thấp nhất là các ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản.

Cụ  thể, mức trần học phí với các ngành thuộc các trường đại học tự chủ tài chính như sau :

Khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản: học phí năm học 2016-2017 tối đa là 1,75 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1,85 triệu đồng; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng.

Nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí năm học  2016-2017 tối đa là 2,05 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 2,2 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 2,4 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Ngành y dược có học phí cao nhất, học phí năm học  2016-2017 là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 4,6 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 5,05 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương, năm 2015 là năm đầu tiên Đại học Kinh tế quốc dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ tài chính. Trường đã công khai việc học phí sẽ tăng tối đa 30% mỗi năm. Tuy nhiên, khi tham gia xét tuyển, thí sinh đã chưa tìm hiểu kỹ thông tin trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến của trường thực hiện chưa tốt. 

 “Năm nay chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để thông tin sâu rộng hơn đến thí sinh để các em có thêm cơ sở trong việc chọn trường xét tuyển. Thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào các trường tự chủ tài chính cần hết sức lưu ý vấn đề này để chủ động cân nhắc khả năng tài chính của bản thân và gia đình," ông Chương nói./.

Phạm Mai (vietnamplus.vn – 22/07/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang