Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi THPT Quốc gia

26/02/2015

Chiều nay (26/2), Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi THPT Quốc gia với các nội dung về quy định chung; chuẩn bị cho kỳ thi; đối tượng và điều kiện dự thi, tổ chức đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; tổ chức coi thi; tổ chức chấm thi; tổ chức phúc khảo và chấm thẩm định...

Một số nội dung thí sinh cần lưu ý trong quy chế chính thức thi THPT quốc gia:

Môn thi

Tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

1. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

2. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định tại khoản 1 Điều này và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.

3. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Ngày thi, nội dung thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi

1. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức hằng năm. Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT.

2. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Cụm thi

Bộ GD&ĐT tổ chức cụm thi, gồm:

1. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT;

2. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Đối tượng và điều kiện dự thi

1. Đối tượng dự thi

a) Người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi;

b) Người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GD&ĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).

2. Điều kiện dự thi

a) Các đối tượng dự thi không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi theo quy định;

b) Đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này còn phải đảm bảo các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học GDTX thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.

c) Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều này còn phải đảm bảo các điều kiện:

- Đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS);

- Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

- Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

3. Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc Trung tâm GDTX (gọi chung là Hiệu trưởng trường phổ thông) hoặc nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi tổ chức xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi; chậm nhất trước ngày thi 20 ngày phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tổ chức đăng ký dự thi      

1. Nơi đăng ký dự thi

a) Đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12;

b) Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GD&ĐT quy định. Đơn vị nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 54 Quy chế này.

2. Thủ tục đăng ký dự thi

a) Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi chịu trách nhiệm hướng dẫn đăng ký dự thi, thu Phiếu đăng ký dự thi, nhập thông tin thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và chuyển hồ sơ, dữ liệu đăng ký dự thi cho sở GD&ĐT;

b) Sở GD&ĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh và gửi dữ liệu về Bộ GDĐT;

c) Bộ GD&ĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi toàn quốc và chuyển dữ liệu về các Hội đồng thi để tổ chức thi.

3. Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT

a) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này:

- 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;

- Học bạ THPT; học bạ hoặc Phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX (bản sao);

- Các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thí sinh phải có bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú;

- 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.

b) Thí sinh tự do, ngoài các hồ sơ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này phải có thêm:

- Giấy khai sinh (bản sao);

- Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú theo nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Quy chế này nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12;

- Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Quy chế này;

- Bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao);

- Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.

4. Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT: 

a) 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;

b) Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao);

c) 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.

5. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: Trước ngày 30 tháng 4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.

6. Hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT được thí sinh hoàn thiện và nộp tại nơi đăng ký dự thi theo quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Yêu cầu đối với đề thi

1. Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia phải đạt các yêu cầu dưới đây:

a) Nội dung đề thi đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;

b) Đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ);

c) Đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng;  

d) Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10;

đ) Đề thi phải ghi rõ có mấy trang (đối với đề thi có từ 02 trang trở lên) và có chữ "HẾT" tại điểm kết thúc đề.

2. Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương; mỗi đề thi có hướng dẫn chấm, đáp án kèm theo.

Hội đồng ra đề thi

1. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia (gọi tắt là Hội đồng ra đề thi).

2. Thành phần Hội đồng ra đề thi

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục KTKĐCLGD;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Cục trưởng Cục KTKĐCLGD, lãnh đạo các đơn vị khác thuộc Bộ GD&ĐT và lãnh đạo Phòng Khảo thí thuộc Cục KTKĐCLGD;

c) Ủy viên, thư ký: Cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; trong đó, ủy viên thường trực là lãnh đạo Phòng Khảo thí thuộc Cục KTKĐCLGD;

d) Các cán bộ soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Mỗi môn thi có một tổ ra đề thi gồm Trưởng môn đề thi và các cán bộ soạn thảo đề thi;

đ) Lực lượng bảo vệ: Cán bộ do Bộ Công an và Bộ GD&ĐT điều động.

Những người có người thân dự thi trong năm tổ chức thi không được tham gia Hội đồng ra đề thi.

 Làm thủ tục dự thi cho thí sinh

1. Căn cứ dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi, Ban Thư ký Hội đồng thi hoàn thành danh sách thí sinh (kể cả Danh sách ảnh của thí sinh) của từng phòng thi; làm Thẻ dự thi; xác định địa điểm làm thủ tục dự thi cho thí sinh.

2. Trong ngày làm thủ tục dự thi, theo đúng lịch đã công bố, Trưởng điểm thi phân công cán bộ hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi phổ biến quy chế thi; ghi xác nhận những sai sót về họ, tên, đối tượng, hộ khẩu thường trú, khu vực của thí sinh và chuyển những thông tin này cho Ban Thư ký Hội đồng thi xem xét, cập nhật vào phần mềm quản lý thi.

Chấm bài thi tự luận

Chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.

Miễn thi các môn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT

1. Miễn thi môn ngoại ngữ

a) Đối tượng miễn thi

- Là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

- Có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

b) Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.  

c) Thí sinh không sử dụng quyền được miễn thi môn Ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.

d) Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.

2. Miễn thi cả 4 môn thi trong xét tốt nghiệp THPT

a) Đối tượng

- Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

- Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

b) Điều kiện

- Đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung:

+ Học hết chương trình THPT; đủ điều kiện dự thi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế này;

+ Có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung:

+ Được Hiệu trưởng trường phổ thông nơi đăng ký học tập xác nhận kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân từng năm ở cấp THPT;

+ Có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học:

+ Học hết chương trình THPT; đủ điều kiện dự thi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế này;

+ Có giấy xác nhận bị nhiễm chất độc hóa học và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia

1. Người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hoá được miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12;

b) Xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên;

c) Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD&ĐT.

2. Người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ được miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12;

b) Xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm và học lực từ loại trung bình trở lên;

c) Có tên trong công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến sở GD&ĐT trước ngày thi THPT quốc gia.

Đặc cách tốt nghiệp THPT

1. Đối tượng và điều kiện:

Người học thuộc các đối tượng quy định tại Điều 12 Quy chế này nếu đủ điều kiện dự thi được xét đặc cách tốt nghiệp THPT trong các trường hợp sau:

a) Bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi.

- Điều kiện: xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên;

- Hồ sơ:

+ Hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt);

+ Biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi.

b) Bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại.

- Điều kiện:

+ Điểm bài thi của những môn đã thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt từ 5,0 trở lên;

+ Xếp loại ở lớp 12: học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.

- Hồ sơ:

+ Đơn đề nghị xét đặc cách của thí sinh;

+ Hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt).

2. Thủ tục:

a) Chậm nhất 7 ngày sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi, thí sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi. Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi chịu trách nhiệm thu nhận và chuyển giao hồ sơ đặc cách cho sở GDĐT;

b) Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT xem xét, quyết định đặc cách cho thí sinh căn cứ hồ sơ và các quy định tại khoản 1 Điều này.

Bảo lưu điểm thi

1. Điểm thi được bảo lưu như sau:

Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

2. Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.

3. Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng điểm bảo lưu trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.

Điểm ưu tiên, khuyến khích

1. Điểm ưu tiên

Điểm ưu tiên để xét công nhận tốt nghiệp THPT được tính theo 3 diện (Diện 1, Diện 2, Diện 3); trong đó, thí sinh Diện 2, Diện 3 được cộng điểm ưu tiên như sau:

a) Diện 2: cộng 0,25 điểm đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng sau:

- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% (đối với GDTX);

- Con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động;  

- Người dân tộc thiểu số;

- Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tổ chức kỳ thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; ở xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT;

- Người bị nhiễm chất độc màu da cam; con của người bị nhiễm chất độc màu da cam; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người được cơ quan có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hoá học;

- Con của người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945 (đối với GDTX);

- Có tuổi đời từ 35 trở lên, tính đến ngày thi (đối với GDTX).

b) Diện 3: cộng 0,5 điểm đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng sau:

- Người dân tộc thiểu số, bản thân có hộ khẩu thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; ở xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương;

- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (đối với GDTX);

- Con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

c) Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất. Những trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét, quyết định.

2. Điểm khuyến khích

Người học tham gia các cuộc thi và các hoạt động dưới đây được cộng điểm khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp THPT với mức điểm như sau:

a) Đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 12:

- Đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh: cộng 2,0 điểm;

- Giải khuyến khích trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh: cộng 1,5 điểm;

- Giải ba cấp tỉnh: cộng 1,0 điểm.

b) Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT:

- Giải cá nhân:

+ Đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc Huy chương Vàng: cộng 2,0 điểm;

+ Giải khuyến khích quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh hoặc Huy chương Bạc: cộng 1,5 điểm;

+ Huy chương Đồng: cộng 1,0 điểm;

- Giải đồng đội:

+ Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia;

+ Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo quy định cụ thể của Ban Tổ chức từng giải;

+ Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân quy định tại điểm này;

- Những người học đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.

c) Học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở GDĐT hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành Giáo dục cấp trong thời gian học THPT, được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận như sau:

- Loại giỏi: cộng 2,0 điểm;

- Loại khá: cộng 1,5 điểm;

- Loại trung bình: cộng 1,0 điểm.

d) Học viên GDTX có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học được cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian học THPT: cộng 1,0 điểm đối với mỗi loại chứng chỉ.

đ) Nếu thí sinh đồng thời có nhiều loại giấy chứng nhận để được cộng điểm khuyến khích theo quy định tại khoản 2 Điều này cũng chỉ được hưởng mức điểm cộng thêm nhiều nhất là 4,0 điểm.

e) Điểm khuyến khích quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này được bảo lưu trong toàn cấp học và được cộng vào điểm bài thi để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

Điểm xét tốt nghiệp THPT

1. Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau:

 

2. Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.

Công nhận tốt nghiệp THPT

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Duyệt công nhận tốt nghiệp THPT

1. Hồ sơ duyệt công nhận tốt nghiệp THPT bao gồm:

a) Bảng ghi thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT;

b) Danh sách thí sinh được đề nghị công nhận tốt nghiệp;

c) Danh sách và hồ sơ thí sinh được đặc cách tốt nghiệp, miễn thi, được tốt nghiệp do phúc khảo hoặc giải quyết khiếu nại về hồ sơ thi;

d) Đĩa CD chứa dữ liệu thi;

đ) Những biên bản liên quan;

e) Các loại hồ sơ khác theo hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT.

2. Trình tự duyệt công nhận tốt nghiệp

a) Giám đốc sở GD&ĐT duyệt công nhận tốt nghiệp và chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT về kết quả công nhận tốt nghiệp của tỉnh mình;

b) Sau khi báo cáo Bộ GD&ĐT, Giám đốc sở GD&ĐT công bố kết quả công nhận tốt nghiệp và thông báo cho các trường phổ thông để niêm yết danh sách tốt nghiệp và cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh;

c) Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do Hiệu trưởng trường phổ thông ký và có giá trị đến khi được cấp Bằng tốt nghiệp THPT chính thức;

d) Các sở GD&ĐT gửi Danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD&ĐT ngay sau khi kết thúc kỳ thi để quản lý, theo dõi.

Xem chi tiết quy chế thi THPT Quốc gia TẠI ĐÂY

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang