Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Còn hy vọng cho thí sinh xét tuyển ĐH bằng điểm thi ?

12/09/2020

Trước tình hình thí sinh xác nhận nhập học của nhiều phương thức khác nhau, nhiều trường ĐH quyết định tăng chỉ tiêu xét điểm thi THPT so với đề án đã công bố từ đầu.

Có trường còn trên 90% chỉ tiêu

Đến thời điểm này, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM đã hoàn tất việc xác nhận và tổ chức nhập học cho 4 phương thức. Theo đại diện ban quản lý đào tạo trường này, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi THPT là gần 400 chỉ tiêu (tương đương khoảng 40% tổng chỉ tiêu). Trong đó, ngành kinh tế (chuyên ngành kinh tế đối ngoại) 200 chỉ tiêu, ngành quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế) và ngành tài chính ngân hàng (chuyên ngành tài chính quốc tế) còn 65 chỉ tiêu mỗi ngành…

Cũng liên quan đến khối ngành kinh tế, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết các ngành chương trình đại trà của trường còn 93% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT. Trường đã ra thông báo điều chỉnh tăng điểm sàn xét tuyển theo phương thức này lên 18 điểm cho các ngành đại trà (tăng 2 điểm so với đề án ban đầu) và các ngành chất lượng cao lên 17 điểm (tăng 1 điểm so với đề án).

“Dù trường điều chỉnh tăng điểm sàn so với đề án công bố ban đầu nhưng chỉ tiêu xét điểm thi nhiều nên áp lực cạnh tranh giữa các thí sinh (TS) không quá lớn”, ông Vũ nhìn nhận.

Đến sáng 11.9, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có trên 3.200 TS xác nhận nhập học trên mạng (trong đó có hơn 2.500 TS nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc về trường). Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên nhà trường, cho biết theo đề án tuyển sinh đã công bố, nếu các phương thức khác tuyển đủ TS thì chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi THPT khoảng 30% (tổng chỉ tiêu năm nay 5.500). Tuy nhiên, số liệu cuối cùng còn tùy thuộc vào tình hình nhập học hoàn tất trong vài ngày tới. Riêng các ngành đào tạo của trường tại Phân hiệu Vĩnh Long, theo đại diện trường này, TS có điểm từ 17 trở lên có cơ hội trúng tuyển cao.

Trường ĐH Mở TP.HCM hiện cũng đã hoàn tất việc xác nhận nhập học với các phương thức xét dựa vào kết quả học bạ. Theo đề án tuyển sinh, trường này dành tối đa 70% tổng chỉ tiêu cho xét học bạ. Tuy nhiên, thực tế số lượng TS nhập học mới khoảng 30%. Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, chỉ tiêu còn lại cho xét dựa vào điểm thi lên tới 70% (khoảng trên 2.600 TS). Ông Hà cho biết, số chỉ tiêu này rải đều cho tất cả các ngành nên cơ hội để TS xét tuyển vào trường còn nhiều.

Hiện Trường ĐH Mở TP.HCM đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét theo điểm thi tốt nghiệp. Cụ thể, điểm sàn các ngành chương trình đại trà dao động từ 16 - 19 điểm. Bên cạnh hai ngành nhận hồ sơ mức 19 (gồm ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật) thì nhiều ngành chỉ nhận hồ sơ từ 16 điểm như: công nghệ sinh học, quản lý xây dựng, công tác xã hội…

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường hiện vẫn đang tiếp nhận TS trúng tuyển bằng điểm thi năng lực xác nhận nhập học đến hết ngày 15.9. Tuy nhiên, có thể chỉ tiêu còn lại trường xét điểm thi tốt nghiệp năm nay khoảng 60% tổng chỉ tiêu (tương đương 3.000 TS). “TS xét tuyển bằng điểm thi vào trường còn nhiều cơ hội, đặc biệt là những ngành mới tuyển sinh năm nay và các ngành có điểm chuẩn năm ngoái từ mức 21 trở xuống”, ông Thắng chia sẻ.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng còn khoảng 60% chỉ tiêu, tương đương 4.800 TS để xét kết quả thi. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, dự đoán với phổ điểm tăng nên điểm chuẩn một số ngành có thể lên tới 23 - 25 điểm như: quản trị kinh doanh, luật kinh tế, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô… Một số ngành điểm chuẩn có thể chỉ ở mức 17 - 18 như: nhóm ngành môi trường, kỹ thuật vật liệu và khoa học dữ liệu.

Các trường khối ngành y dược cũng dành phần lớn chỉ tiêu để xét điểm thi như: Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch…

Đăng ký thêm phương thức khác để tăng cơ hội

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, mặc dù đã trải qua các đợt xét điểm học bạ trước đó, ở đợt xét điểm thi này, trường vẫn sử dụng khoảng 50% chỉ tiêu, với số lượng khoảng 3.000. Đây là số lượng khá nhiều nên cơ hội trúng tuyển vẫn còn lớn. Tuy nhiên, TS cần lưu ý rằng năm nay điểm thi cao, các trường gọi trúng tuyển cũng không thể quá nhiều, nên điểm chuẩn có thể sẽ tăng khoảng 2 điểm.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Quốc Anh, năm nay tâm lý xét tuyển của TS có vẻ hơi “chùng”. Điều này có lẽ đến từ dịch Covid-19, rồi dời lịch thi dẫn đến tâm lý của TS có phần nào bị xao động. Vì vậy, năm nay các trường đều sử dụng khoảng 40 - 60% chỉ tiêu để xét học bạ. Ngay cả các trường ĐH công lập lớn gia nhập việc xét học bạ cũng từ ảnh hưởng của dịch. Vì vậy, dù đang sử dụng rất nhiều chỉ tiêu để xét điểm thi nhưng trường cũng sẽ xem xét tình hình xét học bạ cho các đợt sau này nhiều hơn hay không.

“Vì vậy, để tăng cơ hội trúng tuyển, dù các trường có để dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp thì TS cũng hãy đăng ký phương thức khác để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình”, tiến sĩ Quốc Anh nhận định.

Theo thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, qua các đợt xét bằng nhiều phương thức, hiện nay chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tại trường là 30%. Vì vậy, thật sự là cơ hội xét tuyển theo phương thức này vẫn còn rất nhiều. Tuy nhiên, để chắc ăn hơn, TS nên xét thêm phương thức học bạ để gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông - Marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường cũng dành 30% chỉ tiêu để xét bằng kết quả thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý là chỉ tiêu dành cho các ngành khối sức khỏe của trường cao hơn so với các ngành khác. Vì vậy, ở đợt này, cơ hội của TS sẽ còn rất nhiều.

Hà Ánh
thanhnien.vn – 12/09/2020

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang