Chấm dứt thi đại học, cao đẳng?
20/09/2013
Các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: Dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Trao đổi với báo chí chiều ngày 19/9, về dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ông Bùi Mạnh Nhị - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD-ĐT, thành viên Ban soạn thảo cho biết: “Trong các nhiệm vụ, giải pháp, có thể coi đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, trong đó có đổi mới chính sách, cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá".
Theo đó, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo.
Cụ thể, về đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho giai đoạn tới mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra. Đối với đề thi không chỉ tập trung vào việc đánh giá học sinh biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá học sinh làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp,thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo của học sinh.
Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).
Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học tiếp sau giáo dục phổ thông bằng cách có ít môn học bắt buộc, có nhiều môn học hoặc chủ đề để học sinh tự chọn. Đồng thời triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả học đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực/môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.
Theo đó, về tuyển sinh ĐH,CĐ, các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: Dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Việc đổi mới trên sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành. Kết quả kiểm tra đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn. Giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một số kỳ thi. Tác động tích cực trở lại việc dạy và học".
Giảm số lượng môn học ở phổ thông
Về vấn đề quá tải chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Đổi mới đồng bộ nhiều khâu trong đó xác định rõ mục tiêu giáo dục sẽ là phát triển năng lực người học và cá thể hóa bằng định hướng giáo dục phân hóa mạnh ở bậc học cuối phổ thông. Dạy tích hợp sẽ khiến số môn học giảm đi, nội dung được xem xét chu đáo, không chồng chéo. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ phát huy năng lực riêng từng học sinh. Những điều này sẽ khắc phục tình trạng quá tải do “chương trình, các môn học bị cắt khúc giữa các cấp học, không liên thông. Một số kiến thức phải học đi học lại, mục tiêu ít chú ý tính phân hóa, không theo định hướng nghề nghiệp”.
Theo đó, chương trình sau năm 2015 chủ trương của Bộ GD-ĐT dự kiến giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học cùng một lúc quá 8 môn học. Cụ thể, bậc Tiểu học sẽ chỉ còn 3-6 môn học + 4 hoạt động (hiện nay 11 môn học + 3 hoạt động). Đổi mới hình thức dạy theo hướng tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và lớp 5, thực hiện điều chỉnh và hình thành 2 môn Khoa học và Công nghệ; Tìm hiểu xã hội.
Bậc THCS sẽ chỉ còn 8 môn học + 4 hoạt động ( hiện nay 13 môn học + 4 hoạt động). Bậc học này, tăng cường tính tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Đồng thời, xây dựng 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Bậc THPT, tiếp tục thực hiện tích hợp. Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Dự kiến có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ). Đồng thời, học sinh được chọn 3 môn/chủ đề trong danh mục các môn/chủ đề tự chọn như Vật lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý, công nghệ, khoa học về máy tính, kinh doanh, ngoại ngữ 2, nghệ thuật, hướng nghiệp…
Hồng Hạnh
Nguồn: dantri.com.vn