Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Cần tỉnh táo khi lựa chọn trường theo nguyện vọng 2

05/09/2013

 

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh có điểm thi đạt trên mức điểm sàn năm nay nhưng trượt nguyện vọng 1 lên tới hơn 238.000. Nếu xét tỷ lệ thí sinh trượt nguyện vọng 1 còn lại và tổng chỉ tiêu của các trường xét tuyển các nguyện vọng sau thì số thí sinh dôi dư lớn hơn nhiều.

 

Tuy nhiên, nhiều trường ngoài công lập và các đại học địa phương vẫn canh cánh nỗi lo tuyển không hết chỉ tiêu. Lo lắng này không phải không có cơ sở, vì thực tế đúng là số thí sinh đạt điểm trên sàn còn lại nhiều, nhưng vấn đề là họ có chấp nhận đi học ở những trường không mong muốn hay không(!?).

 

Thực tế đã minh chứng, chỉ tính riêng trong khối trường ngoài công lập, không ít thí sinh có điểm thi khá cao, trượt các trường nguyện vọng 1 nhưng không chấp nhận vào các trường chưa mấy uy tín. Thế nên mới có việc các “đàn anh” trong top trên của các đại học ngoài công lập tương đối ổn định trong việc gọi xét tuyển do có thời gian gây dựng tên tuổi thì các trường mới thành lập lại lôi kéo người học bằng cách… cấp học bổng, hay miễn giảm học phí. Ngay khi thông báo chỉ tiêu tuyển sinh vào đầu tháng 3, nhiều trường đại học ngoài công lập đã đưa ra những ưu đãi nếu thí sinh vào trường. 

 

Điển hình trong số các trường này là Đại học Thành Tây, đưa ra thông báo Quỹ học bổng với 1,5 tỷ đồng và sẽ cấp học bổng cho thí sinh trúng tuyển nhập học vào loại giỏi trở lên. Sinh viên đến nhập học sẽ được miễn 1 tháng học phí trong học kỳ đầu tiên. Trường Đại học Lương Thế Vinh cũng đưa ra thông báo xét giảm học phí năm thứ nhất nếu thí sinh có điểm thi đại học, cao đẳng năm 2013 cao hơn điểm sàn từ 2 điểm trở lên. Trường cũng xét cấp học bổng hàng năm cho sinh viên đạt kết quả học tập từ khá trở lên và rèn luyện tốt. Còn Đại học Hà Hoa Tiên lại đưa ra thông báo sẽ tạo điều kiện cho thí sinh được thực tập tốt nghiệp và thi tuyển về làm việc tại tập đoàn công nghiệp POMIHOA (nếu có nhu cầu). 

 

Còn về phía Bộ GD&ĐT, nhằm tạo điều kiện trong việc gọi thí sinh nhập học, năm nay, Bộ quy định các trường có thể xét tuyển nhiều đợt khác nhau, thời gian mỗi đợt xét tuyển là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Mỗi thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được trường tổ chức thi cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh có thể dùng giấy chứng nhận này đăng ký xét tuyển vào ba trường, hoặc ngành khác nhau trong cùng một thời điểm.

 

Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng bổ sung, hoặc không được tuyển vào trường, ngành đã đăng ký nguyện vọng bổ sung thì được quyền rút hồ sơ (trong đó có giấy chứng nhận kết quả thi) để nộp vào trường, ngành khác. Nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng bổ sung là lấy điểm từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu. Cùng với việc đưa ra những quy định về việc xét tuyển, Bộ GD&ĐT cũng tăng chế tài xử phạt các trường vi phạm, không chỉ là xử phạt hành chính mà hiệu trưởng các trường để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý. 

 

Có thể thấy nguồn tuyển và cơ hội học tập cho các trường và thí sinh là rất nhiều. Vấn đề là mong muốn của người học và nhu cầu tuyển sinh của các nhà trường có đến được với nhau hay không mới là điều quan trọng. Có thể người học có những tính toán chưa đúng, còn các trường thì lại nhanh chóng “xé rào” tuyển sinh. Đến thời điểm này, đã có những cảnh báo về việc vi phạm quy chế như có trường giam hồ sơ của thí sinh trượt nguyện vọng 1 nhằm giữ lại học CĐ; lại có trường đã tự cấp giấy báo trúng tuyển cho các thí sinh không trúng tuyển ngành đăng ký dự thi bậc ĐH vào các ngành bậc CĐ... Trường nào vi phạm quy chế chắc chắn sẽ bị xử phạt nghiêm, còn với thí sinh và các bậc phụ huynh cũng cần phải hiểu biết để bảo về quyền lợi chính đáng cho chính mình.

 

Dư Khương

Nguồn: gdtd.vn

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang