Cần có cấu trúc đề thi phù hợp với từng nguyện vọng của thí sinh
06/05/2015
Ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Kỳ thi được Bộ GD&ĐT kỳ vọng là trận đánh đột phá cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.
Kỳ thi này với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng) lần đầu tiên được tổ chức với mong muốn tạo bước đột phá về công tác kiểm tra đánh giá và qua đó góp phần điều chỉnh, định hướng cách dạy, cách học của thầy và trò theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ngày 30/4/2015 là thời điểm kết thúc việc đăng ký dự thi của thí sinh theo nguyện vọng (chỉ xét tốt nghiệp THPT, chỉ xét tuyển vào đại học, cao đẳng và kết hợp cả 2 nguyện vọng). Tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi theo 3 nguyện vọng này rất khác nhau ở các địa phương. Ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng có khoảng 50% học sinh có nguyện vọng chỉ xét tốt nghiệp THPT, có trường có số học sinh đăng ký thi chỉ để công nhận tốt nghiệp lên tới 80% như Trường THPT huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).
Tại Hà Nội tổng số thí sinh của Hà Nội và các tỉnh lân cận tham dự kỳ thi THPT quốc gia khoảng 120 nghìn em, trong đó thí sinh Hà Nội hơn 70 nghìn em; số thí sinh dự thi chỉ để dự xét công nhận tốt nghiệp hơn 9 nghìn em.
Thực tế này cho thấy cần có cấu trúc đề thi phù hợp với từng nguyện vọng của thí sinh.
Chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, hơn 1 triệu học sinh cả nước đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Điều lo lắng nhất hiện nay của giáo viên, phụ huynh và học sinh là cấu trúc đề thi vì nó là yếu tố quan trọng quyết định tới kết quả kỳ thi.
Phương án (phương án 1) mà Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đưa ra tại Công văn số 374/KTKĐCLGD-KT ngày 31/3/2015, với cấu trúc đề thi, các câu hỏi phục vụ việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng được trộn lẫn với nhau. Với phương án này, ưu điểm là các kiến thức phục vụ cho 2 mục đích (xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng) được phối hợp chặt chẽ trong một đề thi hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là người thi bị phân tán sự tập trung về nội dung khó, dễ để có thể nhanh chóng làm bài có hiệu quả. Học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT phải làm vào những phần nâng cao phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng. Học sinh chỉ có nguyện vọng tuyển sinh đại học (vì đã tốt nghiệp THPT) phải làm vào những phần phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT.
Đối với học sinh yếu thì việc phân biệt câu dễ để làm trước, câu khó làm sau rất mất thời gian, ảnh hưởng tới tâm lí thi cử và tiến độ làm bài. Về tổng thể học sinh sẽ rất vất vả mới làm hết cả đề thi và như vậy sẽ ảnh hưởng tới kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Để khắc phục nhược điểm trên, TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô đề xuất (phương án 2): Cấu trúc đề thi tách thành 2 phần độc lập:
Phần 1: Dành cho mục đích xét tốt nghiệp THPT: Nội dung đề thi ở mức cơ bản phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Phần 2: Dành cho mục đích xét tuyển sinh đại học, cao đẳng: Nội dung đề thi nâng cao phù hợp với yêu cầu xét tuyển sinh đại học, cao đẳng tương tự đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.
Dung lượng của đề thi mỗi phần thực hiện trong khoảng 50% thời gian của thời gian làm cả bài thi. Thang điểm của mỗi phần là 10 điểm.
Ưu điểm của phương án này là thuận lợi cho việc làm bài của thí sinh: Thí sinh có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT chỉ tập trung làm Phần 1; Thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng chỉ tập trung làm Phần 2; Thí sinh vừa có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng thì phải làm cả 2 phần.
Cấu trúc đề thi như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý, học sinh sẽ tập trung làm bài vào phần đúng với mục đích thi của mình nên kết quả kì thi sẽ được đảm bảo an toàn hơn.
Bên cạnh đó, việc chấm thi và nhập điểm để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng riêng biệt sẽ thuận lợi hơn và nhanh chóng hơn rất nhiều so với phương án mà Bộ Giáo dục đưa ra mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cho tới thời điểm hiện nay.
Đồng thời, giúp cho thí sinh ở cả 3 nguyện vọng thực hiện ngay yêu cầu của đề thi phù hợp với nguyện vọng của mình, không làm bài vào các phần mình không có nguyện vọng và như vậy sẽ đảm bảo độ an toàn cao hơn, kết quả của kỳ thi phản ánh đúng thực chất như mục đích kỳ thi đã đề ra. Việc chấm thi cũng thuận lợi hơn và việc tổng kết đánh giá từng mục tiêu của kỳ thi cũng phù hợp hơn, chính xác hơn.
Về mặt kỹ thuật việc chuyển cấu trúc đề thi từ phương án 1 sang phương án 2 không có gì khó khăn phức tạp vì theo chỉ đạo của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục: “Tỉ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm” (Công văn số 374/KTKĐCLGD-KT ngày 31/3/2015). Như vậy có thể hiểu trong đề thi đã có tới 60% nội dung kiến thức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp và 40% kiến thức nâng cao phục vụ cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thời gian hiện nay rất cấp bách vì vậy Bộ GD-ĐT cần có quyết định phù hợp về cấu trúc đề thi THPT quốc gia để định hướng kịp thời cho người ra đề và người dự thi, nhằm đảm bảo thành công của Kỳ thi THPT quốc gia.
TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Quận Tây Hồ, Hà Nội)
Nguồn: dantri.com.vn