Tuyển sinh ĐH, CĐ: Hết thời "lò luyện"
18/04/2015
Khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi mẫu, các chuyên gia tuyển sinh cùng đưa ra nhận định: Đã hết thời học tủ, luyện thi, kể từ năm 2015 và những năm về sau, xu hướng thi sẽ là đánh giá chính xác năng lực người học.
Còn nhớ dăm năm trước, đến thời điểm này là các trường THPT cũng đã hòm hòm chương trình giảng dạy chung mà tạo điều kiện để học sinh của mình có thời gian, tập trung ôn luyện các môn thi vào ĐH, CĐ.
Nhiều thí sinh ở các tỉnh cũng sẵn sàng hành trang chỉ chờ đến thi tốt nghiệp xong để lên thành phố, đến những trung tâm luyện thi cấp tốc ôn luyện.
Ngày đó những lò luyện hừng hực lửa như khu vực quanh Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn…. những phòng học kín người, những chiếc quạt trần quay tít cũng không làm dịu bớt sức nóng của những lò này.
Nhưng 2 – 3 năm trở lại đây, các lò luyện ở Hà Nội đã hạ nhiệt rất nhiều do cách thức đổi mới ra đề thi của Bộ GD&ĐT với các môn tự luận xã hội.
Đặc biệt là năm nay, lò luyện gần như đã tắt lửa sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi mẫu của Kỳ thi THPT quốc gia với tiêu chí “2 trong 1” vừa dùng để xét tốt nghiệp và các trường ĐH, CĐ cũng có thể lấy đó làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh và các giáo viên phổ thông đều đánh giá cao cách thức này khi cho rằng: Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và cách thức ra đề thi như vậy là nỗ lực hết sức to lớn của ngành Giáo dục.
Tại dãy H1, Đại học Sư phạm Hà Nội – một trong những trung tâm thuộc loại uy tín và thu hút đông thí sinh luyện thi cũng đã công bố lịch học, giá tiền từng môn học cho lớp mới khai giảng đầu tháng 4 và sẽ kết thúc vào tháng 6.
Hiện lớp này cũng đã có hơn chục em đăng ký học, trong đó chủ yếu là những thí sinh tự do hoặc có ý định chuyển trường khác, hoặc chưa trúng tuyển năm nay đăng ký dự thi THPT quốc gia để tiếp tục xét tuyển vào ĐH.
Số lượng người đi học luyện thi ngày một khan hiếm, đây là một thực tế đang diễn ra không chỉ ở các lò luyện khu vực Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Bỏ kỳ thi đại học, hết thời học tủ để đi thi với những quảng cáo thầy giỏi “100% đỗ đại học” hay “không trúng trả tiền” mà thay vào đó bằng việc đánh giá chính xác năng lực người học qua kết quả thi THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thì việc không còn người học ở những trung tâm luyện thi là điều chỉ còn là sớm chiều mà thôi.
Hướng đến đánh giá năng lực
Mở đầu cho cách thức thi tuyển được coi là tiên tiến, ưu việt này là ĐHQG Hà Nội với nội dung thi đánh giá năng lực của thí sinh. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh 2015, ĐHQG Hà Nội thống nhất dùng 1 bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung để đánh giá các thí sinh tham gia xét tuyển sinh đại học vào tất cả các ngành đào tạo. Kỳ thi sẽ được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7 năm 2015.
Để giúp các thí sinh làm quen với dạng thức của bài thi, ĐHQG Hà Nội cũng đã công bố bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu dưới hình thức thi thử miễn phí trên trang thông tin điện tử của ĐHQG Hà Nội. Một kỳ thi thử cũng đã được ĐHQG Hà Nội tổ chức cho học sinh Trường THPT Đại Từ, một huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên.
Nếu ai đó có xem qua đề thi thử của ĐHQG Hà Nội sẽ thấy đề được ra với kiến thức tổng hợp cao. Bài thi được tổng hợp từ các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa dựa trên cấu trúc của ma trận bài thi đã được ĐHQG Hà Nội công bố.
Kiến thức bao quát những lĩnh vực kiến thức cơ bản của môn Toán học, môn Ngữ văn, các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Để làm được bài thi, thí sinh không đòi hỏi phải hiểu biết quá cao siêu, nhưng lại rất cần có kiến thức trải rộng mà những nội dung đó hoàn toàn nằm trong chương trình THPT được dạy trong nhà trường.
Tất nhiên, các câu hỏi của bài thi nhằm đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy của người học nên đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết chứ không chỉ là học thuộc lòng.
Điều đáng nói là thực hiện bài thi này, các thí sinh sẽ làm lần lượt từng phần thi theo thời gian quy định riêng cho mỗi phần và bấm nút “Hoàn thành” khi kết thúc, và không được làm lại phần thi đó. Ngay sau khi hoàn thành cả ba phần, thí sinh sẽ được xem kết quả thi của mình hiển thị trên trang kết quả.
Lượng kiến thức trải rộng, câu hỏi không quá khó, để làm được bài, thí sinh không chỉ có kiến thức đủ mà còn cần phải tư duy tốt. Đây là nhận xét của các học sinh Trường THPT Đại Từ sau khi tham gia kỳ thi thử được tổ chức tại trường.
Đánh giá năng lực, phẩm chất người học là cách làm của những nền giáo dục tiên tiến, đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 29-NQ/TW8 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học đang được toàn ngành triển khai.
Sau ĐHQG Hà Nội, chắc chắn sẽ tiếp tục có những trường sẽ thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh bằng cách đánh giá riêng của mình. Nhưng xu hướng chung có thể thấy là chắc chắn sẽ không còn tồn tại việc đánh giá năng lực người học theo kiểu thuộc lòng như trước kia nữa.
Bài thi đánh giá năng lực người học của ĐHQG Hà Nội là một cải biến theo hình thức thi SAT mà các đại học của Mỹ dựa vào đó để tuyển người học. Cách thức thi này được xã hội và nhiều chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao vì với nội dung đề và lượng kiến thức rộng như vậy sẽ không có cửa cho học tủ luyện thi. Bộ GD&ĐT đánh giá cao cách làm này của ĐHQG Hà Nội và khuyến khích các trường ĐH, CĐ triển khai trong những năm sau.
|
Nguyễn Khang (giaoducthoidai.vn)