Cách tính điểm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội năm 2020
24/04/2020
Các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được quy chung về một đầu điểm dựa trên thang điểm 10 chứ không xét riêng từng môn thành phần.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi gồm 3 bài thi độc lập và bắt buộc bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Bên cạnh đó là 2 bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học) và bài thi tổng hợp Khoa học xã hội (gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân).
Trong đó, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (phiếu TLTN).
Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với một đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
Về vấn đề này, ngày 23/4 ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có lý giải cụ thể hơn về cách tính điểm bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội trong kỳ thi năm nay.
Ông Trinh cho biết, tất cả các bài thi đều quy về thang điểm 10.
Đối với bài thi Khoa học tự nhiên, trong bài thi sẽ gồm các câu hỏi của 3 môn thành phần là Vật lý, Hóa học và Sinh học. Tuy nhiên, khi máy thực hiện chấm trắc nghiệm thì tất cả chỉ quy về một đầu điểm.
Sau đó số điểm này cùng với điểm của các bài thi khác như: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ để phục vụ mục đích tuyển sinh theo tinh thần tự chủ của các trường đại học, cao đẳng. Với bài thi Khoa học xã hội cũng được tính điểm theo cách tương tự.
Trước thắc mắc cho rằng cách tính điểm mới này sẽ gây thiệt thòi đối với các thí sinh chỉ đầu tư cho 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, Cục trưởng Trinh khuyên các thí sinh không nên lo lắng.
“Bài thi tổ hợp vẫn bao gồm các các câu hỏi của các môn thành phần như năm ngoái. Các thí sinh đầu tư vào môn nào thì đó vẫn là thế mạnh và đạt được điểm cao ở môn đó”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, sự giảm tải số lượng câu hỏi trong bài thi tổ hợp tới đây, thời gian làm bài cũng giảm đi nên cũng sẽ giảm bớt sự căng thẳng cho thí sinh.
Tuy nhiên, ông Trinh cũng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhằm mục đích đánh giá chất lượng chuẩn đầu ra, hướng tới giáo dục toàn diện. Trên nền tảng giáo dục toàn diện sẽ khuyến khích phát triển năng khiếu của mỗi học sinh ở từng môn học khác nhau. Tuy nhiên chúng ta không thể vì điều này mà bỏ hẳn những môn khác, chỉ học những môn là lợi thế của mình.
“Với yêu cầu của bậc THPT, các thí sinh nên học toàn diện để đảm bảo nền tảng cơ bản và từ đó tập trúng sâu hơn vào các môn thế mạnh của mình, định hướng cho việc lựa chọn ngành nghề”, Cục trưởng nói.
Liên quan đến sự thay đổi trong cách tính điểm bài thi tổ hợp sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc tuyển sinh của các trường xét tuyển khối B và A1, bà Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có lý giải cụ thể.
Bà Thủy cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các trường trong việc xác định tổ hợp phù hợp với các ngành nghề đào tạo, Bộ căn cứ vào số lượng đầu môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, từ đó điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh để các tổ hợp này sẽ không quá khác biệt so với tổ hợp truyền thống.
Các trường cũng sẽ lựa chọn trong những đầu điểm đã có để tự lựa chọn bài thi tổ hợp nào là phù hợp nhất. Ví dụ, khi thí sinh thi tổ hợp Toán, Hóa, Sinh thì đầu điểm Toán và bài thi Khoa học tự nhiên rất phù hợp để xét tuyển môn này.
Bà cũng cân nhắc việc các trường đại học khối y dược có thể có thêm một kỳ thi riêng để đánh giá năng lực của thí sinh trên tinh thần tự chủ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.
Huyền Trần
thoidai.com.vn – 24/04/2020