Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Các trường Đại học khó tổ chức kỳ thi riêng

22/09/2016

Các trường đại học khó có thể chuẩn bị kịp một kỳ thi riêng vào năm 2017. Do đó, dù muốn hay không, năm sau, các trường sẽ vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT để xét tuyển, nhiều chuyên gia nhận định.

Không còn thí sinh để tổ chức thi

GS. Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học (ĐH) Thái Nguyên cho biết năm 2017, các trường ĐH thành viên sẽ vẫn lấy kết quả thi THPT quốc gia của Bộ. “Nếu phải tổ chức một kỳ thi riêng, thực sự với các trường ĐH rất khó khăn. Vì tốn kém, phải huy động một lực lượng lớn đội ngũ giảng viên, cán bộ. 

Nhưng điều quan trọng nhất là không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi nữa. Vì cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều trường đều “vét” thí sinh từ mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Có nhiều trường khác còn tuyển sinh bằng xét học bạ. Tôi dám chắc cũng không còn thí sinh để có thể phải tổ chức một kỳ thi riêng” – ông Vui chia sẻ.

Cũng theo GS. Đặng Kim Vui, sở dĩ ĐH Quốc gia Hà Nội “dám” tuyển sinh riêng vì trường có tiềm lực, có đội ngũ nhân lực ở tất cả các ngành, các môn khoa học cơ bản. Các trường ĐH khác không có được những thuận lợi như thế.

Đồng quan điểm này, GS. Nguyễn Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết nếu dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2017 của Bộ không thay đổi thì ĐH Đà Nẵng sẽ chọn phương án lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia. 

“Đây là ý kiến sơ bộ của các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng. Vì Bộ GD&ĐT chưa chốt phương án cuối cùng nên trường chưa quyết. Nếu trường tổ chức một kỳ thi riêng thì tôi sợ rằng sẽ có sự xáo trộn lớn, thí sinh chưa chuẩn bị kịp” - ông Nam cho hay. Đại diện trường ĐH Lâm nghiệp cũng cho biết trường dự kiến sẽ lựa chọn phương án vừa xét kết quả học bạ THPT, vừa lấy kết quả thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, khi được hỏi, một số trường ĐH khác cho biết chưa quyết định sẽ tuyển sinh theo hình thức nào. Vì còn chờ quyết định cuối cùng từ phía Bộ GD&ĐT.

Trường tốp trên sẽ khó tuyển sinh

Là ĐH vùng có nhiều trường ĐH thành viên, GS. Nguyễn Văn Nam có băn khoăn về chất lượng các bài thi tổ hợp. “Từ năm 2016 trở về trước, các môn như Lý, Hóa, Sinh cũng thi trắc nghiệm nhưng thí sinh phải làm 60 câu hỏi. Bây giờ, với bài thi tổ hợp, mỗi môn thí sinh chỉ còn thi có 20 câu thì sự phân hóa thí sinh sẽ không được tốt” - ông Nam khẳng định.

PGS. Lê Hữu Lập, nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng cho rằng, với hình thức thi như Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo thì năm 2017, các trường tốp trên sẽ rất khó tuyển sinh. Còn các trường tốp dưới thì không lo vì không tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, họ có thể tuyển bằng học bạ. 

“Dự thảo phương án thi 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra chỉ phù  hợp với xét tốt nghiệp THPT. Còn với tuyển sinh ĐH, nó không phù hợp với việc tuyển sinh theo các khối thi cũ. Vì các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống chứ không phải tuyển sinh như ĐH Quốc gia Hà Nội” – ông Lập cho hay.

Được biết về phía Bộ GD&ĐT, sau khi đưa dự thảo lên lấy ý kiến, Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Dự kiến tháng 10 tới, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa. Và sắp tới, Bộ sẽ có buổi gặp gỡ báo chí để chốt phương án cuối cùng. 

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định thi trắc nghiệm phù hợp với một kỳ thi tổ chức cho số lượng lớn thí sinh, đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch vì ít có sự tham gia của con người. 

Ngân hàng đề thi sẽ đủ lớn để cố gắng mỗi thí sinh sẽ có một đề riêng trong cùng một phòng thi. Còn các trường ĐH, nếu thấy cần thiết, có thể tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển được những thí sinh theo mong muốn của mình.

Nghiêm Huê
(tienphong.vn – 22/09/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang