Bức tranh tuyển sinh của các trường đại học tư thục ở TP.HCM
20/02/2022
Xét tuyển học bạ sớm, mở mới nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo là những nét đặc trưng của bức tranh tuyển sinh năm 2022 ở các trường đại học tư thục TP.HCM.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường đại học tư thục ở TP.HCM đã bắt đầu xét tuyển học bạ. Thí sinh có thể nộp hồ sơ trước khi có kết quả học tập học kỳ II, lớp 12.
Nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ cuối tháng một
Từ ngày 25/1 đến 31/3, ĐH Văn Hiến tuyển sinh đợt một theo kết quả học bạ đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, tương đương hoặc đang học lớp 12 (sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ bổ sung giấy chứng nhận/bằng tốt nghiệp). Thời gian nhà trường dự kiến công bố kết quả trúng tuyển là 1/4.
Ngày 15/2, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ của thí sinh. Theo đó, năm nay, trường áp dụng 2 hình thức là xét tuyển học bạ 3 học kỳ (học kỳ I lớp 12, học kỳ I, học kỳ II lớp 11), và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn.
Thí sinh đang là học sinh lớp 12 (tốt nghiệp THPT vào năm 2022) có thể nộp trước phiếu đăng ký xét tuyển và bản sao hợp lệ học bạ THPT.
Ngày 18/2, ĐH Nguyễn Tất Thành bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT. Những thí sinh đã tốt nghiệp từ năm 2021 trở về trước có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trong đợt một đến hết ngày 2/5.
Ngoài tuyển sinh dựa trên học bạ THPT, các phương thức còn lại của ĐH Nguyễn Tất Thành là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả bài thi kiểm tra đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển các thí sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, kỳ thi tay nghề Asean và quốc tế; xét tuyển thí sinh người nước ngoài đủ điều kiện học tập hoặc theo diện cử tuyển.
Từ 15/2 đến 31/8, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM dự kiến tổ chức 8 đợt xét tuyển học bạ. Trong đó, đợt đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 15/2 đến 31/3.
Khi nộp hồ sơ, thí sinh phải đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển từ 18 trở lên.
ĐH Kinh tế Tài chính cho biết trong trường hợp đợt một đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ không nhận hồ sơ các đợt còn lại như dự kiến. Thí sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển học bạ nên cân nhắc nộp hồ sơ ở đợt đầu để giảm mức độ cạnh tranh, tăng cơ hội trúng tuyển.
Năm 2022, thí sinh có 2 lựa chọn để nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Văn Lang bằng kết quả học tập THPT là xét điểm trung bình năm học lớp 12 và xét điểm trung bình năm lớp 11, học kỳ I lớp 12.
Từ ngày 1/3 đến 19/9, trường sẽ mở 6 đợt nhận hồ sơ xét tuyển học bạ. Thời gian nhận hồ sơ đợt một từ 1/3 đến 30/4.
Trong 4 phương thức tuyển sinh năm 2022, ĐH Hoa Sen dành chỉ tiêu nhiều nhất cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT (1.500 chỉ tiêu).
Ở phương thức này, thí sinh có thể chọn một trong 3 hình thức là xét học bạ 3 năm THPT (không tính học kỳ II của năm lớp 12), xét học bạ 3 năm THPT và xét học bạ THPT theo tổ hợp 3 môn.
Nhà trường dự kiến tổ chức 8 đợt xét tuyển học bạ, trong đó, đợt nhận hồ sơ đầu tiên bắt đầu từ 1/3 đến 26/6. Thí sinh xét tuyển sẽ nhận kết quả và làm hồ sơ nhập học vào các đợt theo thông báo của trường.
ĐH Quốc tế Hồng Bàng áp dụng xét tuyển học bạ bằng 3 hình thức cho 48 ngành/chuyên ngành. Các hình thức của trường là xét tuyển kết quả học tập THPT theo tổ hợp 3 môn, xét kết quả học tập 5 học kỳ, và xét kết quả học tập 3 năm.
Trường bắt đầu nhận hồ sơ đợt một từ 1/3 đến 29/4. Ngày 4/5, nhà trường sẽ thông báo kết quả trúng tuyển. Đợt nhận hồ sơ cuối cùng của trường từ 17/8 đến hết tháng 10.
Thêm nhiều ngành học mới
Năm 2022, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) mở mới 9 ngành học là Kinh tế Quốc tế, Tài chính Quốc tế, Digital Marketing, Quản trị Sự kiện, Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Chăn nuôi, Nghệ thuật số và Công nghệ Điện ảnh, Truyền hình.
Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông của trường, thông tin việc đào tạo các ngành mới gắn với xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại. Định hướng đào tạo các ngành này sẽ góp phần giải bài toán nhân lực giỏi chuyên môn - thạo công nghệ hiện nay.
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM mở mới 6 ngành gồm Quản trị Văn phòng, Kinh tế Quốc tế, Công nghệ Tài chính, Kiểm toán, Truyền thông Đa phương tiện, Quản trị Sự kiện. Theo nhận định của nhà trường, việc mở các ngành có yếu tố công nghệ, cập nhật xu thế như trên phần nào đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong giai đoạn tới.
ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh thêm ngành Y học cổ truyền và Sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, khoa Kinh tế Quản trị của trường cũng mở thêm ngành Thương mại Điện tử. Viện Giáo dục và Đào tạo Giáo viên mở thêm ngành Giáo dục Tiểu học.
ĐH Gia Định cho ra mắt chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học là Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ Thông tin, Marketing và Kinh doanh Quốc tế. Bên cạnh đó, trường cũng mở thêm 5 ngành mới là Thương mại Điện tử, Quan hệ Công chúng, Bất động sản, Quản trị Nhà hàng và ăn uống, Quản trị đu lịch và Lữ hành.
ĐH Nguyễn Tất Thành mở thêm 2 ngành là Quản lý Bệnh viện và Giáo dục Mầm non. Đây là những ngành nghề được nhà trường xây dựng bám sát dự báo nhu cầu nhân lực và phát triển trong tương lai.
Nguyễn Hằng
https://zingnews.vn/buc-tranh-tuyen-sinh-cua-cac-truong-dai-hoc-tu-thuc-o-tphcm-post1297276.html