Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng điểm học bạ, chuyên gia nói gì?

03/01/2024

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024, một số trường đại học đã tuyên bố bỏ phương thức xét tuyển "đầu vào" bằng học bạ.

Bỏ xét tuyển đại học bằng điểm học bạ, tăng cường các kỳ thi riêng

Mới đây, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2024. Cụ thể, nhà trường tuyển sinh theo ba phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu (như năm 2023); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 18% (giảm 7% so với năm 2023); 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, trong năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Trường ĐH Luật TP.HCM chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức. Phương thức tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 55% tổng chỉ tiêu.

Trong mùa tuyển sinh 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay. Trường ĐH Y Hà Nội cũng không xét tuyển bằng điểm học bạ...

"Việc loại bỏ những phương thức xét tuyển không đảm bảo về mặt chất lượng là hợp lý"

Lý giải của Trường ĐH Kinh tế quốc dân về việc bỏ phương thức xét học bạ, PGS.TS. Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường cho biết, năm 2024, nhà trường không xét tuyển theo phương thức kết hợp giữa điểm trung bình học bạ 3 năm học của bậc THPT với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia.

Theo PGS.TS. Bùi Đức Triệu, từ thực tế tuyển sinh trong những năm gần đây cho thấy, nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp trên có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện ở phương thức xét tuyển khác. Điều này dẫn đến tỷ lệ trùng lặp của nhóm thí sinh là học sinh chuyên xét tuyển học bạ với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo cũng tăng mạnh. Vì thế, việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ thí sinh ảo mà ít gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.

Còn theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, việc bỏ điều kiện học bạ, vốn đã duy trì nhiều năm, vì nhiều lý do. Sau khi phân tích và dựa vào dữ liệu của Bộ GD&ĐT, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận thấy điểm thi tốt nghiệp có độ tương đồng nhất định với kết quả học bạ. Do đó, việc đặt thêm điều kiện học bạ bên cạnh điểm sàn là không cần thiết. Việc này cũng giúp giảm bớt nhiều khâu trong tuyển sinh, tránh nhầm lẫn giữa thí sinh tự do với thí sinh tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, những năm trước, một số thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển do không đạt điều kiện học bạ. Các em vào trường rồi phải ra, lại chuyển trường, cũng mất thời gian và ảnh hưởng tâm lý.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Nguyễn Kim Dung - một giáo viên dạy Toán cấp THPT cho rằng, việc các trường đại học có xu thế loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ sẽ giúp giảm tình trạng không đồng đều giữa các khu vực, giảm tải số lượng công việc trong phương thức xét tuyển đại học đồng thời loại bỏ được những thí sinh chưa đạt yêu cầu.

"Việc xét tuyển bằng điểm học bạ nhiều năm qua đã gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. "Lạm phát" điểm học bạ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và là tình trạng báo động đến mức có cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì có một số trường hợp "chạy điểm" nhằm mục đích làm đẹp học bạ, một số giáo viên cũng tạo điều kiện, nới lỏng tay khi chấm điểm cho học sinh hơn nên đã gây ra sự không đồng đều giữa các trường. Đối với những trường đại học thuộc top đầu thì theo tôi, việc loại bỏ những phương thức xét tuyển không đảm bảo về mặt chất lượng là hoàn toàn hợp lý", cô Dung chia sẻ.

Về việc bỏ xét học bạ trong các kỳ tuyển sinh đại học, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Theo tôi, việc bỏ xét tuyển bằng học bạ THPT là một quyết định đã dựa trên sự cân nhắc nhiều chiều, đây có thể xem là một phương án phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đó cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc học đều các môn, tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực thế thay vì chỉ học để được điểm cao".

Đặc biệt, việc các trường tuyên bố bỏ xét tuyển học bạ đã phải cân nhắc dựa trên các số liệu đánh giá tổng kết như: Đánh giá xem liệu phương thức tuyển sinh nào có tương quan tốt với kết quả học tập của sinh viên khi học tại trường; sinh viên trúng tuyển bằng phương thức tuyển sinh nào thì có xu hướng cam kết với ngành học cao hơn, không bỏ giữa chừng; sử dụng phương thức xét tuyển nào thì đỡ tỉ lệ thí sinh ảo hơn… Dựa trên những số liệu này cho thấy phương án tuyển sinh bằng kết quả học bạ không có độ tin cậy cao, không tương quan với kết quả học tập năm thứ nhất, không có sự cam kết với chương trình đào tạo hoặc làm tăng tỉ lệ sinh viên ảo thì cũng cần có sự điều chỉnh".

TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, khi các trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng "mua điểm". Điều này dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh. "Hiện nay chất lượng các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng là khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ là không công bằng với học sinh. Theo tôi, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Trước đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đã có kiến nghị về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng, nhiều tiêu cực nảy sinh để "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các trường THPT.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

Đỗ Vi
https://suckhoedoisong.vn/bo-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-bang-diem-hoc-ba-chuyen-gia-noi-gi-169240103102154648.htm

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang