Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Từ năm 2025: Ngoại ngữ vẫn chiếm ưu thế trong tuyển sinh đại học

20/12/2023

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc như hiện nay. Tuy nhiên, với tuyển sinh đại học, nhiều trường đại học (ĐH) vẫn sử dụng môn ngoại ngữ để xét tuyển.

Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên công bố dự thảo phương hướng từ năm 2025 trở đi, Trường ĐH Nha Trang đưa ra 3 phương thức xét tuyển: Một là, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Hai là, xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội nếu như thí sinh trước đó có tham gia kỳ thi đánh giá năng lực này và ba là phương thức xét điểm tổ hợp các môn.

Phương thức xét tuyển tổ hợp các môn bao gồm: Điểm học bạ tổ hợp các môn học cấp THPT và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT. Về định hướng trong việc xác định tổ hợp môn xét tuyển, Trường ĐH Nha Trang dự kiến sử dụng tổ hợp 3 - 5 môn; trong đó Toán, Ngữ văn và tiếng Anh là 3 môn bắt buộc phải có trong mỗi tổ hợp xét tuyển. Lúc này, điểm xét tuyển sẽ sử dụng thang điểm 50.

Với tổ hợp 3 môn (định hướng sử dụng tổ hợp gồm môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh) sẽ nhân hệ số 2 đối với môn Toán và Tiếng Anh trên cơ sở phù hợp ngành đào tạo và đưa về thang điểm 50. Với tổ hợp 4 môn ( gồm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và 1 môn phù hợp với ngành đào tạo), sẽ có 1 môn nhân hệ số 2. Với tổ hợp 5 môn (gồm Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh và 2 môn phù hợp với ngành đào tạo), sẽ không có môn nào nhân hệ số. Những môn được sử dụng để xét tuyển phù hợp với ngành đào tạo trong tổ hợp 4 môn hoặc tổ hợp 5 môn sẽ bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ, Tin học.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin từ năm 2025 trở đi, các trường ĐH phải tính toán lại khi xây dựng tổ hợp xét tuyển. Dự kiến, số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống như: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) có thể giảm.

Ông Điền khuyên thí sinh nên chuẩn bị thêm chứng chỉ tiếng Anh, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia hoặc đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học bằng nhiều phương thức khác nhau.

Lợi cho thí sinh

Hà Thanh, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội cho biết năm 2025, em lựa chọn môn ngoại ngữ để dự thi tốt nghiệp THPT. Thanh và học sinh đang học lớp 11 chính là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2024. Tiếng Anh là môn học thế mạnh của Thanh. “Không bắt buộc thi ngoại ngữ lại là thuận lợi đối với những học sinh có thế mạnh môn học này lựa chọn để xét tuyển đại học.

Ngoài đăng kí thi tốt nghiệp, em sẽ đăng kí thi chứng chỉ IELTS để tăng cơ hội trúng tuyển”, Hà Thanh nói. TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân khẳng định dù 4 hay 6 môn thi tốt nghiệp, các trường vẫn xây dựng tổ hợp xét tuyển chính (tổ hợp truyền thống) vẫn chiếm ưu thế. Chẳng hạn như các tổ hợp A00, B00, D01 (Toán, Văn, Anh), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa).

Ông Hải cho biết đây cũng là những tổ hợp xét tuyển mà Trường ĐH Duy Tân dự kiến tiếp tục duy trì trong mùa tuyển sinh năm 2024 và 2025. Đồng thời ông Hải cho rằng, với cơ sở giáo dục ĐH, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh. Về mặt tâm lý, nhiều thí sinh cho rằng, nếu thi tốt nghiệp 4 môn thì các tổ hợp xét tuyển sẽ giảm. Nhưng thực tế phương án thi tốt nghiệp này tốt hơn cho thí sinh, giúp các em học có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng nghề nghiệp và tổ hợp xét tuyển mà mình lựa chọn.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ thực tế qua các năm tuyển sinh, thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí. Do vậy, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT quyết định mỗi thí sinh chỉ có 2 môn lựa chọn thay bài thi tổ hợp 3 môn như hiện nay. Cùng với đó, môn thi bắt buộc cũng chỉ còn 2 môn là Toán, Ngữ văn.

Về xét tuyển ĐH, ông Hà đánh giá, mỗi thí sinh cùng lúc sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể sẽ gây mất công bằng. Do đó, trước mắt, thí sinh chỉ được thi hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực.

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, từ năm 2025, các kì thi riêng để tuyển sinh sẽ lên ngôi cùng với đó là các đại học lớn (2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội) mở rộng kì thi đánh giá năng lực, kì thi đánh giá tư duy để đáp ứng nhu cầu xét tuyển của thí sinh và các trường ĐH.

Nghiêm Huê
https://tienphong.vn/ngoai-ngu-van-chiem-uu-the-trong-tuyen-sinh-dai-hoc-post1597311.tpo

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang