Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nên nhẹ nhàng và thực chất
03/03/2014
Có một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường THPT là một số thầy cô dạy môn Sử đều khuyên học trò không nên chọn môn mình dạy. Theo lý giải của họ, lời khuyên này có lợi cho học sinh và dù rơi vào tâm trạng ngậm ngùi, day dứt nhưng họ đành khuyên học trò mình chọn môn khác có lợi hơn, học nhẹ nhàng hơn.
Chọn môn thi có lợi
Đúng như dự đoán, tỷ lệ chọn môn Sử ở các trường khá thấp, thậm chí có trường chỉ có vài em đăng ký. Một số hiệu trưởng cho biết, trước khi Bộ GD-ĐT có quyết định về phương án thi và đưa môn ngoại ngữ vào môn tự chọn thì tỷ lệ học sinh được khảo sát chọn môn Sử để thi cũng kha khá - khoảng vài chục em. Còn hiện tại, học sinh có nhiều lựa chọn có lợi hơn cho mình và sẵn sàng “né” môn thi khó, phải nhớ nhiều kiến thức và kết quả thi không cao như môn Sử, Địa.
Thăm dò và khảo sát sơ bộ cho thấy tỷ lệ chọn môn Địa vẫn cao hơn nhiều so với môn Sử. Riêng môn Sử, tỷ lệ học sinh lớp 12 chọn thi chỉ dừng ở con số vài phần trăm là phổ biến, rất ít trường đạt tỷ lệ trên 10%. Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10 TPHCM, toàn trường có 7 trên tổng số 796 học sinh chọn môn Sử là môn thi tốt nghiệp; Trường THPT Gia Định: 25 học sinh thi Sử và 30 thi Địa trên tổng số hơn 1.000 học sinh; Trường THPT Nguyễn Trãi có 50 học sinh chọn môn Sử (chiếm 7,8%)… Tuy nhiên, ở một số trường THPT, đầu vào học sinh không cao và năng lực học các môn khoa học tự nhiên thuộc diện không nổi bật hoặc cũng tầm tầm thì học sinh lại chọn môn Sử, Địa nhiều hơn. Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ có 69/430 học sinh chọn môn Sử và 112 em chọn môn Địa. Trong khi đó, tỷ lệ chọn môn ngoại ngữ áp đảo, chiếm từ trên 50% đến 80%; và nhiều trường chuyên, tốp trên chọn đến gần 100%.
“Tuy môn Sử có tỷ lệ học sinh chọn thấp, nhưng chúng tôi vẫn chú trọng và tổ chức ôn thi bình thường cho các em”. Đó là nhận định của thầy Trần Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến. Thực tế cho thấy, tuy học sinh nghiêng về chọn môn thi theo khối thi đại học nhưng cũng có không ít em chọn môn thi theo cảm tính, chưa xác định rõ sở trường, năng lực của bản thân, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, nhằm giúp học sinh tránh sự cảm tính trong chọn môn thi tốt nghiệp và phù hợp với trình độ, năng lực cá nhân, nhà trường chú trọng công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh chọn môn thi sau khi khảo sát nguyện vọng của các em.
Học sinh chọn 4 ngày, giáo viên chọn 2,5 ngày
Đó là khảo sát sơ bộ dự thảo về thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó có 4 phương án thi trong 2 ngày; 2,5 ngày và 3 hoặc 4 ngày. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên thì nghiêng về phương án thi trong 2,5 ngày vì tổ chức thi gọn nhẹ, ít tốn kém, không tạo áp lực cho giáo viên coi thi so với kéo dài thời gian đến 3-4 ngày. Tuy nhiên, gần 100% học sinh được thăm dò đều thích phương án 4 (thi trong 4 ngày và mỗi buổi chỉ thi 1 môn). Theo học sinh, việc kéo dài thời gian thi sẽ giúp các em nghỉ ngơi thoải mái, chuẩn bị tinh thần cho môn thi sau tốt hơn, thay vì phải thi hai môn trong một buổi.
Tất nhiên phương án nào cũng có những điểm lợi và bất lợi, nhưng quan điểm chung của một số hiệu trưởng là phương án nào có lợi hơn cho học sinh thì Bộ GD-ĐT nên quyết, đừng ngại tốn kém, vất vả. Bởi lẽ, chúng ta đã mạnh dạn “đột phá” đổi mới thi cử thì cũng chấp nhận tốn kém để giúp học sinh có kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực đúng nghĩa. Thầy Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng, việc tổ chức thi trong 2 ngày hoặc 2,5 ngày sẽ cập rập về khâu tổ chức, vì thời gian nghỉ giữa hai môn thi quá ngắn, không kịp cho giám thị thu bài, hơn nữa triển khai từng môn thi cũng theo đúng trình tự, quy chế rất mất thời gian. Tương tự, thầy Phạm Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cũng ủng hộ phương án thi 4 ngày và lý giải rằng tuy tốn kém hơn nhưng có lợi cho học sinh rất nhiều.
Bên cạnh đó, ý kiến của các nhà quản lý giáo dục cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn về cách thức, nội dung ra đề thi cho các môn để giáo viên định hướng ôn thi cho học sinh phù hợp với xu hướng đổi mới thi cử. Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, tuy các trường THPT đều lĩnh hội tinh thần đổi mới thi cử và các môn khoa học xã hội như môn Văn đã giảng dạy theo hướng ra đề mở nhưng cũng cần Bộ GD-ĐT thông tin định hướng sớm về nội dung, cách ra đề thi. Điều này rất cần để ổn định tâm lý người dạy lẫn người học. Cụ thể là đề thi sẽ mở nhưng mở đến đâu và như môn Anh văn thì ngoài phần trắc nghiệm, phần bài luận sẽ tính điểm như thế nào?
Chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả người dạy và người học đều mong mỏi những quyết sách liên quan đến sinh mệnh học tập được định đoạt đúng, phù hợp với xu thế đổi mới thi cử như đặt ra.
KHÁNH BÌNH
Nguồn: sggp.org.vn