Xét tuyển nguyện vọng bổ sung ĐH-CĐ: Cơ hội vào trường tốp dưới
07/09/2012
Hôm nay 7-9, các trường đại học (ĐH) sẽ khóa sổ, đồng thời công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) cho nguyện vọng bổ sung đợt đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Theo thống kê, lượng hồ sơ nộp cũng như điểm chuẩn ở các trường ĐH công lập và nhóm ngành kinh tế sẽ tăng cao so với điểm nhận hồ sơ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều thí sinh sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở những đợt xét tuyển tiếp theo. Và ở lần xét tuyển này, cơ hội cho thí sinh vẫn rộng mở ở những trường địa phương và trường ngoài công lập.
Điểm chuẩn tăng mạnh
Lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Cần Thơ hiện nay là hơn 3.400 hồ sơ. Trong đó, nhiều ngành điểm chuẩn sẽ tăng cao như: Giáo dục công dân 339 hồ sơ/17 chỉ tiêu, Sư phạm Vật lý có đến 388 hồ sơ/98 chỉ tiêu, Tin học tuyển 37 chỉ tiêu nhưng đã có 268 hồ sơ đăng ký, Quản trị kinh doanh có đến 217 hồ sơ/42 chỉ tiêu. Ngoài việc điểm chuẩn một số ngành sẽ tăng cao, nhiều khả năng trường sẽ không tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM điểm chuẩn nhiều ngành cũng tăng từ 1 - 3 điểm. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật ô tô dự kiến điểm chuẩn sẽ lấy khoảng 17 điểm (khối A) và 16,5 điểm (khối A1), tăng hơn điểm nhận hồ sơ từ 1 – 3 điểm. Ở hệ cao đẳng (CĐ), nhiều ngành cũng có điểm chuẩn tăng từ 0,5 – 3,5 điểm so với điểm nhận hồ sơ.
Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM dù ĐH chỉ xét 280 chỉ tiêu nhưng có đến hơn 2.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Cụ thể, ngành Kinh doanh bất động sản chỉ tiêu có 70 nhưng gần 600 hồ sơ nộp vào, ngành Hệ thống thông tin quản lý có gần 400 hồ sơ trong khi chỉ tiêu 50, ngành Tài chính công tuyển 80 chỉ tiêu nhưng hơn 700 hồ sơ đăng ký và ngành Tài chính bảo hiểm - đầu tư có gần 650 hồ sơ/80 chỉ tiêu. Đáng nói hơn, hệ CĐ ngành Tiếng Anh kinh doanh có đến gần 1.200 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ có 40 chỉ tiêu. Ngành Hệ thống thông tin quản lý có 80 chỉ tiêu nhưng gần 800 hồ sơ đăng ký. Như vậy, với lượng hồ sơ nộp vào gần gấp 9, 10 lần so với chỉ tiêu cần tuyển, dự kiến điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung của trường sẽ cao hơn điểm xét tuyển từ 2 - 4 điểm…
Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hệ ĐH trường tuyển 1.300 chỉ tiêu nhưng đến nay đã nhận hơn 7.000 hồ sơ đăng ký. Trong đó, các ngành như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm nhận hồ sơ ít nhất từ 2 - 3 điểm. Những ngành còn lại dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng từ 0,5 - 1 điểm so với điểm nhận hồ sơ. Tương tự, hệ CĐ ngoài các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng điểm chuẩn sẽ tăng cao, những ngành còn lại sẽ lấy bằng với điểm nhận hồ sơ.
Trong khi đó, các nhóm ngành xã hội ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM) điểm chuẩn cũng sẽ tăng so với điểm nhận hồ sơ.
Cơ hội cuối cùng
Hôm nay, khi các trường công bố điểm chuẩn sẽ có hàng loạt thí sinh điểm cao sẽ rớt do chen chân quá nhiều vào nhóm ngành kinh tế. Tuy nhiên, với thời hạn xét tuyển kéo dài đến hết ngày 30-11, thí sinh nên bình tĩnh để tìm cơ hội ở một số ngành tại các trường công lập và tính toán đến phương án nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập, các trường địa phương.
Theo TS Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, dù chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung chỉ gọi 900 chỉ tiêu nhưng đến nay trường đã nhận được khoảng 3.000 hồ sơ. Đây là con số kỷ lục về hồ sơ xét tuyển sau NV1 của trường trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo TS Thắng có rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ bằng phiếu điểm photocoppy nên hiện tượng ảo sẽ rất lớn. Nếu lượng thí sinh ảo quá nhiều thì trường sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.
Tại Trường ĐH Nha Trang, dù chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung hơn 2.100 chỉ tiêu nhưng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá thấp. Nhiều ngành chỉ tiêu từ 100 - 120 nhưng hồ sơ chỉ đạt mức 50%. Đáng nói hơn, các ngành như Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật tàu thủy, Nuôi trồng thủy sản chỉ tiêu mỗi ngành từ 50 - 100 nhưng chỉ lác đác vài hồ sơ đăng ký. Tương tự, tại Trường ĐH Đà Lạt nhiều ngành chỉ có từ 1 - 5 hồ sơ như ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - truyền thông, Nông học, Sinh học, Lịch sử… Như vậy, với lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá ít so với chỉ tiêu cần tuyển, nhiều trường đại học địa phương sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Với nhiều trường ĐH ngoài công lập, ngoài việc lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, các trường sẽ dành nhiều chỉ tiêu cho những đợt xét tuyển tiếp theo. Nhiều trường như ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen, ĐH DL Hải Phòng, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Võ Trường Toản, ĐH Kinh tế Tài chính… vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu để xét tuyển cho các đợt tiếp theo.
Theo chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT Nguyễn Quốc Cường, đối với thí sinh rớt ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần thứ nhất phải bình tĩnh và cân nhắc kỹ khi đăng ký hồ sơ xét tuyển đợt kế tiếp. Đối với những trường ĐH địa phương và trường ngoài công lập cơ hội trúng tuyển luôn rộng mở. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ vào những trường ngoài công lập, thí sinh cần tham khảo và tìm hiểu mức học phí.
THANH HÙNG
(sggp.org.vn)