Xét tuyển đại học, không gây “nhiễu” cho thí sinh
18/03/2024
Vấn đề này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025 diễn ra mới đây.
Nhiễu thông tin do quá nhiều phương thức xét tuyển
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh vừa qua có nhiều phương thức xét tuyển chính được các cơ sở đào tạo sử dụng như: Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%); Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); Xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.
Theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình xét tuyển vẫn còn một số vấn đề sai sót ưu tiên của thí sinh, cụ thể là ưu tiên khu vực và đối tượng. Nguyên nhân do thí sinh khai sai thông tin, điểm tiếp nhận rà soát chưa ký, thí sinh không đăng ký xét tuyển đúng thời gian quy định, thí sinh chọn không đúng nguồn dữ liệu xét tuyển hay không đăng ký xét tuyển đúng thời gian quy định.
Trong khi đó, các trường đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, điều này gây nhiễu thông tin, mặt khác nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển nên kém hiệu quả. Một số cơ sở đào tạo cũng chưa bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học cần lưu ý việc gọi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT nhập học sớm. Bộ cũng lưu ý, một số trường không cập nhật dữ liệu, báo cáo không đầy đủ kịp thời, không chính xác; không tham gia vào hệ thống xét tuyển. Một số cơ sở đào tạo không đưa việc đăng ký xét tuyển các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, từ xa và kết quả xét tuyển các chương trình này lên hệ thống hay xét tuyển vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu.
Về việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thủy đánh giá, thực trạng này gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả; Chưa bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.
Theo đó, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh; đồng thời cần rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức xét tuyển sớm. Về phía Bộ GD&ĐT, tiếp tục nâng cấp hệ thống đăng ký và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra
Từ góc độ ngành học, một số ý kiến chia sẻ băn khoăn khi các khối ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh. Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ tuyển sinh quá cao. Do đó, cần có chính sách vĩ mô điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm, đến lúc “xốc” lại trong đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Cần có giải pháp để khắc phục thiếu nhân lực khoa học cơ bản, bởi thiếu nguồn nhân lực này khó cho phát triển của đất nước. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cũng chia sẻ băn khoăn khi tỷ lệ lựa chọn xét tuyển khối Khoa học Xã hội cao hơn Khoa học Tự nhiên, từ đó kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp phân bổ chỉ tiêu cân đối giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, Thứ trưởng lưu ý, việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt, nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, song hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học.
Nhìn nhận một số kết quả trong công tác tuyển sinh năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, năm 2024 tiếp tục duy trì ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước. Công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần được tăng cường để giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường.
Về định hướng tuyển sinh từ năm 2025, Thứ trưởng cho biết, cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung, nếu có chỉ điều chỉnh về kỹ thuật. Những vấn đề còn tồn tại như quá đa dạng trong phương thức tuyển sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh, công bằng trong tuyển sinh, bất cập xét tuyển sớm… cần được điều chỉnh.
Uyên Na
https://baophapluat.vn/xet-tuyen-dai-hoc-khong-gay-nhieu-cho-thi-sinh-post506786.html