Xây dựng bộ công cụ chuyển đổi điểm giữa hai bài thi Đánh giá năng lực
06/11/2022
Năm 2023, hai đại học quốc gia (ĐHQG) thống nhất chủ trương công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để tuyển sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, hai đơn vị sẽ xây dựng bộ công cụ chuyển đổi thang điểm giữa hai bài thi.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết với chủ trương này, thí sinh có thể dùng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh để xét tuyển vào các trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ngược lại.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, bài thi đánh giá năng lực của hai trường tương đồng nhau, đều đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh. Khác biệt là bài thi ở ĐHQG Hà Nội giống với bài thi đánh giá năng lực SAT (Scholastic Aptitude Test) của Mỹ, còn ở ĐHQG TP Hồ Chí Minh tương tự bài thi đánh giá năng lực của Anh (TSA - Thinking Skills Assessment). Ngoài ra, thang điểm của ĐHQG Hà Nội là 150, còn ĐHQG TP Hồ Chí Minh là 1.200. Vì lẽ đó sẽ cần có một công thức quy đổi điểm, làm căn cứ để hai bên sử dụng kết quả thi của nhau.
Còn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm: Việc xây dựng bộ công cụ chuyển đổi thang điểm giữa hai bài thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học đo lường trong lĩnh vực khảo thí, tạo điều kiện cho các thí sinh tại các vùng miền khác nhau đều tiếp cận được các bài thi đánh giá năng lực mà không phải dự thi nhiều lần, nhiều bài thi.
Thêm vào đó, bài thi đánh giá năng lực thiết kế đánh giá năng lực nên việc thí sinh dự thi nhiều lần (hay nhiều bài thi) đều không cải thiện điểm số và ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác muốn dự thi nhưng không thể đăng ký thi.
Hơn nữa, trước đây nhiều trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh nhưng khó có thể đối chiếu được điểm giữa các thí sinh xét tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực thì nay có thang điểm chuyển đổi, đối sánh. Do đó, việc xây dựng thang điểm chuyển đổi giữa hai bài thi đánh giá năng lực không chỉ mang lại lợi ích cho thí sinh mà còn tạo thuận tiện cho các trường đại học.
“Tuy nhiên, việc thi và tuyển ở ĐHQG Hà Nội là tách biệt nhau hoàn toàn. Với việc cung cấp thang điểm chuyển đổi giữa hai bài thi sẽ góp phần giúp cơ sở đào tạo có thể sử dụng đồng thời 2 bài thi để xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực, làm giảm số lượng các phương thức xét tuyển của các trường”- GS.TS Nguyễn Tiến Thảo phân tích.
Được biết, năm 2023, ĐHQG Hà Nội tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên.
Tương tự, ĐHQG TP Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực tại 17 tỉnh, TP như năm 2022; đồng thời sẽ xem xét mở rộng thêm các địa điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.
Nam Du
https://kinhtedothi.vn/xay-dung-bo-cong-cu-chuyen-doi-diem-giua-hai-bai-thi-danh-gia-nang-luc.html