Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Xác định tổ hợp để xét tuyển đại học: Cả thí sinh và các trường đều băn khoăn

09/01/2025

Năm 2025 dự kiến sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp xét tuyển đại học mới, bám sát chương trình GDPT 2018, tuy nhiên, thời điểm này, nhiều trường đại học vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh chính thức cũng như các tổ hợp xét tuyển cho từng ngành, điều này khiến thí sinh không khỏi băn khoăn.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành mới đây, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, thí sinh sẽ lựa chọn 2 môn thi tự chọn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn là căn cứ quan trọng để các trường đại học xét tuyển. Thời điểm này, nhiều trường đại học vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh chính thức cũng như các tổ hợp xét tuyển cho từng ngành, điều này khiến thí sinh không khỏi băn khoăn.

Thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu hiệu trưởng trường THPT Lê Văn Thiêm (Long Biên) cho biết, dù đã xác định các môn tự chọn, nhưng đến thời điểm này không ít học sinh vẫn còn dao động trong quyết định của mình. Nhiều em cảm thấy không thực sự tự tin vào năng lực bản thân ở những môn đã lựa chọn. Một số em sau một thời gian học cảm thấy các môn đã lựa chọn không mấy khả quan nếu dùng để xét tuyển đại học.

Song thầy Nguyễn Công Sở cũng cho rằng, việc lựa chọn tổ hợp được thực hiện ngay từ lớp 10, học sinh đã có định hướng học các tổ hợp đó nên tính chủ động khá cao. Khi các trường công bố phương án tuyển sinh, các em vẫn có thể đổi tổ hợp môn này sang tổ hợp môn khác có điểm số cao hơn.

Cô Đào Thị Phương Lan, hiệu trưởng trường THPT Quang Minh (Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn tổ hợp môn phù hợp là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và khởi đầu tốt cho hành trình học tập, chọn lựa ngành học sau này. Do đó, thí sinh hãy tìm hiểu thật kỹ và lắng nghe tư vấn của thầy cô, gia đình để có có lựa lựa chọn phù hợp cho tương lai.

Cũng theo cô Lan, để lựa chọn được 2 môn thi phù hợp với năng lực bản thân và ngành học khi vào đại học, học sinh cần lựa chọn tổ hợp thi phải thật sự phù hợp với năng lực bản thân - chọn môn học thế mạnh của mình để thi đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, các em nên lựa chọn tổ hợp phù hợp với ngành nghề mình sẽ dự định học đại học, cao đẳng.

Trường đại học cũng lúng túng trong xác định tổ hợp tuyển sinh

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc học sinh lớp 12 lựa chọn môn thi tốt nghiệp cũng như việc các trường đại học sẽ xét tuyển môn nào là vấn đề đang khá phức tạp với chương trình GDPT mới.

Thực tế có đến 36 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành, nhưng mỗi thí sinh không thể có đủ cả 36 tổ hợp đó, như vậy các trường đại học cần đưa ra các tổ hợp xét tuyển sao cho phù hợp với lựa chọn của thí sinh, trong đó có nhiều môn trước đây chưa từng đưa vào xét tuyển như Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế pháp luật.

“Hiện nay chính các trường đại học cũng không biết học sinh sẽ chọn môn thi thế nào để đưa ra tổ hợp xét tuyển phù hợp, trong khi đó học sinh cũng không biết các trường sẽ xét theo tổ hợp nào để chọn môn thi phù hợp”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là định hướng nghề nghiệp, như vậy việc cho học sinh lựa chọn các môn học theo tổ hợp xét tuyển mà không có định hướng nghề nghiệp cũng là 1 điểm làm giảm mục tiêu giáo dục của chương trình.

TS Trương Thị Ngọc Bích- Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng thừa nhận rằng, hiện nay các trường đại học khó để tính toán được tổ hợp nào sẽ được nhiều thí sinh lựa chọn nhất. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến, với nhóm ngành kinh tế, kinh doanh sẽ chú trọng về môn Toán, các môn như Giáo dục Kinh tế pháp luật, hay nhóm ngành về CNTT thiên về những em giỏi khối Khoa học tự nhiên, môn Toán gần như bắt buộc, các môn còn lại có thể là Tin học, Công nghệ… Nhưng trường vẫn chưa có đánh giá, thống kê khảo sát nào về lựa chọn tổ hợp của thí sinh, nên việc đưa ra tổ hợp xét tuyển cũng gặp khó khăn. 

Cũng liên quan đến việc tính toán tổ hợp xét tuyển đại học, bà Phạm Thanh Hà, Phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại thương băn khoăn, lâu nay nhà trường xét tuyển các tổ hợp truyền thống A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01-D07. Trong đó môn Toán là môn chung.

Tuy nhiên, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học đưa ra là tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Số môn chung của các tổ hợp trong một chương trình, một ngành, một nhóm ngành đào tạo phải có trọng số điểm chiếm ít nhất 50%.

Theo đó, các tổ hợp như A01 và D0-D07 đạt yêu cầu vì có tới 2/3 môn chung là Toán, Ngoại ngữ. Nhưng tổ hợp A00 môn chung là Toán chỉ chiếm 1/3 (33%) thì khi đó phải nhân hệ số môn Toán lên 2, sau đó quy về thang điểm 30 mới đạt yêu cầu. Như vậy, những thí sinh xét tuyển tổ hợp vốn có thế mạnh môn khoa học xã hội là Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ thiệt hơn thí sinh xét tổ hợp A00 có thế mạnh môn Toán. 

Do đó, nhà trường băn khoăn không biết có nên giữ tổ hợp A00 hay không khi đây vốn là tổ hợp truyền thống của nhà trường, tuyển được nhiều thí sinh chất lượng tốt. Bà Phạm Thanh Hà kiến nghị Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc tỉ lệ môn chung, nếu đảm bảo mức tối thiểu 1/3 để đảm bảo tuyển sinh và thuận lợi cho thí sinh.

Nguyễn Trang
https://vov.vn/xa-hoi/xac-dinh-to-hop-de-xet-tuyen-dai-hoc-ca-thi-sinh-va-cac-truong-deu-ban-khoan-post1147423.vov

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang