Vì sao các đại học vẫn phụ thuộc kết quả thi tốt nghiệp THPT dù đã được tự chủ?
01/10/2021
Dù được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng hầu hết các trường vẫn phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, vì sao?
Trong đợt tuyển sinh đại học những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, dù các trường đại học đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh như xét tuyển học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tuyển thẳng... nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức lựa chọn nhiều nhất.
Lệ thuộc vào điểm thi THPT
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong năm qua, trường đã đẩy mạnh thực hiện xét tuyển riêng theo tinh thần của Bộ GD&ĐT với khoảng hơn 40% tổng chỉ tiêu. Còn lại khoảng 50%, trường dành cho để xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ông thừa nhận Đại học Kinh tế quốc dân nói riêng và các trường đại học nói chung đang lệ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm nguồn tuyển chính. Bên cạnh đó, để đảm bảo tinh thần tự chủ, trường cũng dần mở thêm các phương thức tuyển sinh mới.
Theo kế hoạch, mỗi năm, trường giảm dần tỷ lệ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dần dần tiến tới không lệ thuộc, mà có hướng tuyển sinh riêng. Tuy nhiên để thực hiện được việc này cần lộ trình và thời gian, không thể nói giảm là giảm ngay được từ 50% về 0%.
PGS Triệu cũng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hai năm qua vẫn tạo được sự tin tưởng từ xã hội, vẫn được xác định là thước đo chung cho thí sinh cả nước. Chừng nào chưa có kỳ thi hay hình thức xét tuyển đủ mạnh để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT thì các trường vẫn sẽ tin tưởng lấy đây là nguồn tuyển chính.
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Đại học Sư phạm Hà Nội, dù được Bộ GD&ĐT trao quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng nhiều trường đang ỉ lại vào kết quả thi tốt nghiệp THP. "Cực chẳng đã mới phải làm vậy. Lý do thứ nhất, các trường chưa đủ khả năng tổ chức thi riêng. Thứ hai, chưa phương thức nào khác đủ độ tin cậy, đánh giá đúng chất lượng thí sinh trên diện rộng để thay thế cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT", vị chuyên gia này chia sẻ.
Nếu đặt ra bài toán mỗi trường tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng thì dễ gây náo loạn, khó quản lý về chất lượng và tốn kém cho các đơn vị, thí sinh khó khăn trong việc di chuyển, ôn luyện, tham gia làm bài thi.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, việc các trường chủ động, đa dạng hoá phương thức tuyển là điểm đáng mừng, nhưng chất lượng thí sinh tuyển bằng các phương thức này lại đáng lo. Điển hình phương thức xét tuyển học bạ, mỗi trường lại có tiêu chí riêng như dựa vào điểm trung bình 2 học kỳ của năm lớp 12, trường thì dựa vào điểm trung bình của 3 học kỳ gần nhất, trường lại dựa vào điểm trung bình của 5 học kỳ ở bậc THPT.
Rồi chưa kể dùng những tiêu chí khác để xét tuyển đại học như điểm IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Phương thức này chỉ phù hợp vào ngành tiếng Anh. Do đó việc các trường ưu tiên phần lớn chỉ tiêu vào phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT là điều dễ hiểu.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay dù không mang mục đích "2 trong 1" nhưng kết quả vẫn đảm bảo tính công bằng, đánh giá chung chất lượng học sinh của cả nước. Đây là thước đo tốt để các trường cạnh tranh nguồn tuyển đầu vào.
Theo ông, mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng sẽ gây ra lãng phí, khó quản lý và không khác gì kỳ thi "3 chung" trước đây. Điều này là bất cập. Do vậy, điểm thi THPT vẫn là cách thức tốt nhất để các trường xác định nguồn tuyển đầu vào ít nhất là trong giai đoạn một vài năm tới.
TS Khuyến hy vọng, đề thi năm sau sẽ phân hoá tốt hơn để các trường yên tâm tuyển sinh và đánh giá đúng chất lượng thí sinh.
Hướng đi cho tuyển sinh
Là một trong những đơn vị thành công khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để tổ chức một kỳ thi riêng, giảm lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, không khó để xử lý. "Chúng tôi có ngân hàng câu hỏi thi, phương thức thi có thể làm trên máy hoặc trên giấy ở các điểm khác nhau, quy trình đảm bảo tính bảo mật, khách quan. Cách thức thi này sẽ tác động ngược lại hoạt động dạy học ở phổ thông theo hướng phát triển năng lực, gắn với giải quyết các vấn đề cuộc sống".
Qua kết quả hai năm tuyển sinh riêng, ông đánh giá, việc áp dụng bài thi đánh giá tư duy vào xét tuyển có sự sàng lọc cao hơn so với việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thu nhận rất tốt.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) bày tỏ, kết quả học tập của sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM của các thí sinh trúng tuyển từ phương thức đánh giá năng lực nhỉnh hơn các thí sinh trúng tuyển phương thức xét điểm thi THPT.
Do đó, ông hoàn toàn đồng ý phương án không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học. Các trường nên chủ động trong việc đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Nếu chưa thể tổ chức thi riêng hoặc phương thức tuyển sinh riêng tối ưu thì các trường có thể xét kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và Hà Nội. Đây là ai kỳ thi đang đáp ứng được kỳ vọng các trường trong tuyển thí sinh chất lượng cao, không phụ thuộc vào thi tốt ngiệp THPT, ông nhấn mạnh.
MINH KHÔI
https://vtc.vn/vi-sao-cac-dai-hoc-van-phu-thuoc-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-du-da-duoc-tu-chu-ar639084.html