Tuyển sinh đại học 2023: Băn khoăn điểm chuẩn đánh giá năng lực
10/07/2023
Năm 2023, nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM. Cũng giống với các phương thức xét tuyển khác, tình trạng nơi lấy điểm chuẩn cao chót vót, nơi đạt mức trung bình cũng đỗ đại học dẫn đến những lo lắng về chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo.
Cao ở ngành “hot”
THiện tại có khoảng gần 60 trường đại học công bố điểm chuẩn cho phương án xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực năm 2023. Trong đó, có những bất ngờ so với các mùa tuyển sinh trước khi nhiều ngành “hot” của một số trường lấy điểm chuẩn ở mức rất cao.
Đơn cử, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) có hai ngành điểm chuẩn ở mức trên 1.000 điểm (tổng điểm bài thi 1.200 điểm) là Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến). Mức điểm chuẩn 1.035 của ngành Khoa học máy tính cũng xác lập kỷ lục của không chỉ mùa tuyển sinh 2023 mà là mức điểm chuẩn cao nhất từ trước tới nay trong các ngành thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Khoa Y (Đại học Quốc gia TPHCM) có điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực từ 641 đến 934 điểm, trong đó ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất. Các ngành còn lại: Răng hàm mặt 902 điểm, Dược học 884 điểm, Y học cổ truyền 780 điểm và Điều dưỡng 641 điểm.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) thông báo điểm chuẩn dao động từ 610 đến 910 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông đa phương tiện với 910 điểm.
Ở phía Bắc, nhiều trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cũng đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức này. Khoa các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn dao động từ 16 đến 20,30 điểm.
Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin điểm chuẩn đánh giá năng lực HSA dao động 90-120/150 điểm. Các ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm tiếng Trung, Sư phạm tiếng Hàn và Sư phạm tiếng Nhật, cùng lấy 120 điểm. Với phương thức xét điểm bài thi năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, điểm chuẩn là 960/1.200 điểm.
Chất lượng đi về đâu?
Bên cạnh các ngành, trường lấy điểm chuẩn đánh giá năng lực cao, cũng có nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp, ngay cả những ngành "hot" điểm cũng không cao. Đơn cử, tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất cũng chỉ 650 điểm; ngành dược, giáo dục mầm non 570 điểm. Nhiều ngành ở một số trường điểm chuẩn chỉ từ 500.
Cũng lấy mức điểm chuẩn 550 ở tất cả 18 ngành là trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM. Nhìn lại các năm trước, hầu hết các ngành của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM đều lấy điểm chuẩn phương thức xét tuyển bằng điểm bài thi đánh giá năng lực từ 600 điểm trở lên. Năm nay, điểm chuẩn xét tuyển phương thức này có giảm so với các năm trước.
Theo kết quả phân tích phổ điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, mức điểm trung bình của thí sinh tham gia kỳ thi này đều trên 600 điểm. Việc các trường lấy điểm chuẩn đánh giá năng lực thấp đặt ra nỗi lo về chất lượng đầu vào.
Đặc biệt, năm nay điểm chuẩn cho phương án xét điểm thi đánh giá năng lực ngành Y khoa của Trường đại học Nguyễn Tất Thành là 650 điểm (thang điểm 1200). Như vậy, nếu quy ra thang điểm 10 thì điểm chuẩn là 5,33. Nhiều ý kiến lo ngại với chất lượng đầu vào thế này liệu các trường sẽ đào tạo ra sao, nhất là với ngành sức khỏe. Dù rằng phương pháp giáo dục, môi trường đào tạo là quan trọng nhưng “có bột mới gột nên hồ”. Không phải ngẫu nhiên ngành sư phạm và nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trong khi các ngành học khác, có trường cao chót vót, có trường điểm chuẩn thấp chỉ 5 điểm/môn cũng không tuyển đủ thí sinh.
Kì thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức được nhiều trường đại học sử dụng kết quả để tuyển sinh. Tuy nhiên, việc lấy điểm chuẩn quá thấp ở một số ngành của một số trường với phương thức này cũng như các phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT… đặt ra câu hỏi về việc đào tạo của các trường sẽ ra sao?
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần thiết phải làm thống kê đánh giá tổng thể về điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển công khai tới người học cũng như thông tin tới các trường đại học có cơ sở đưa ra giải pháp phù hợp với từng hình thức xét tuyển học bạ hay bài thi đánh giá năng lực...
Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm phải đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/nhóm ngành hoặc chương trình đào tạo theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia và chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên cao nhất.
|
HÀN MINH
http://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2023-ban-khoan-diem-chuan-danh-gia-nang-luc-5722651.html