Tuyển sinh ĐH-CĐ: Đề có tính phân loại cao
17/06/2013
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những vấn đề của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ diễn ra đầu tháng 7.
Ông Ga cho biết từ nay đến năm 2015 không có sự thay đổi lớn nào về công tác tuyển sinh. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chủ yếu theo phương thức 3 chung. Những thay đổi lớn cần được thông báo trước để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
Mỗi năm, tùy tình hình thực tế, Bộ GD-ĐT thực hiện một vài điều chỉnh nhỏ mang tính kỹ thuật để tạo thuận lợi cho các trường trong xét tuyển cũng như giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành hay trường mà mình yêu thích. Năm nay, thực hiện luật Giáo dục ĐH, Bộ cho phép 10 trường thuộc khối năng khiếu nghệ thuật được thí điểm tuyển sinh riêng.
Xin ông cho biết đề thi tuyển sinh năm nay sẽ ra theo hướng nào? Với các môn khoa học xã hội đề thi có tiếp tục theo hướng mở?
Đề thi cơ bản nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là chương trình lớp 12, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh trung bình đối với từng phương thức thi (tự luận hay trắc nghiệm).
Những kinh nghiệm tốt về hướng ra đề thi trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh sẽ được tiếp thu áp dụng.
Đề thi tuyển sinh có tính phân loại cao, có các câu dễ, trung bình và khó. Vì vậy, tùy theo năng lực và trình độ của mình, các thí sinh có thể đạt được kết quả cao thấp khác nhau. Đây là điểm khác biệt của đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Năm nay, một số trường ngoài công lập đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Đến thời điểm này Bộ GD-ĐT đã có quyết định như thế nào về những đề xuất đó, thưa ông?
Bộ GD-ĐT hiện đã nhận được 8 đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH ngoài công lập. Bộ cũng đã đưa tóm tắt 4 đề án tuyển sinh riêng của các trường nộp đầu tiên lên Báo Thanh Niên và báo của ngành để lấy ý kiến rộng rãi.
Quan điểm của Bộ là những đề án nào có tính khả thi cao, đảm bảo được sự công bằng và chất lượng nguồn tuyển, được xã hội đồng tình thì sẽ cho áp dụng thí điểm để nhân rộng. Bộ đánh giá cao các trường đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng về tinh thần trách nhiệm, góp phần cùng với Bộ tìm kiếm các giải pháp đổi mới tuyển sinh.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các tiêu chí đề xuất trong các phương án tuyển sinh riêng này chưa thật thuyết phục, còn có rất nhiều ý kiến băn khoăn, xã hội chưa thật đồng tình. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục trao đổi trực tiếp với các trường để hoàn thiện lại đề án tuyển sinh riêng phù hợp, như đã làm đối với đề án tuyển sinh riêng của 10 trường thuộc khối năng khiếu nghệ thuật.
Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến của dư luận trong và ngoài ngành để có thể thay cách xác định điểm sàn. Vậy kết quả của việc làm này ra sao và Bộ đã định hướng sẽ thay đổi cách tính điểm sàn như thế nào, thưa ông?
Sau khi có kết quả tuyển sinh, Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng quyết định mức điểm sàn phù hợp với các khối thi. Trên cơ sở thực tiễn của những năm gần đây Bộ thấy cần thay đổi cách xác định điểm sàn, để một mặt đảm bảo chất lượng đầu vào và mặt khác đảm bảo được nguồn tuyển cho các trường. Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể học tập được ở bậc CĐ hay ĐH. Ngưỡng này được xác định để làm sao dù trong điều kiện đầu tư còn hạn chế, chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực phải có tính cạnh tranh cao trong thời kỳ hội nhập. Dư luận vừa qua đã có những đóng góp tốt cho phương án xác định điểm sàn mới. Hội đồng xác định điểm sàn năm nay sẽ cân nhắc việc áp dụng.
Nên tự hệ thống lại từng bài học, chủ đề
Ông Bùi Văn Ga có lời khuyên cụ thể cho thí sinh như sau: “Đề thi tuyển sinh có tính phân loại cao nên năng lực các em đến đâu thì làm đến đó. Các em phải biết tự hài lòng về mình, sau khi đã cố gắng tối đa để làm bài nhưng nếu vẫn không đạt được kết quả như mình mong muốn thì đó là điều đương nhiên. Thời gian còn lại không nhiều, các em tự tập trung ôn tập một cách tổng thể, không nên đi học thêm làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ có kiến thức do chính mình tích lũy được mới giúp các em tự tin trong lúc làm bài thi. Vì vậy, tốt nhất các em nên tự mình hệ thống lại từng bài học, từng chủ đề. Khi ôn tập các em nhớ viết ra giấy, không nên chỉ nhìn và đọc. Điều này sẽ giúp các em nhớ lâu hơn và khi làm bài, các em sẽ viết trôi chảy, nhất là các môn tự luận. Chúc các em có một mùa thi thành công”.
|
Tuệ Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.com.vn