Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Chú trọng yêu cầu đặc thù đào tạo
05/04/2016
Tuần qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố toàn cảnh chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), thí sinh đã có thông tin cơ bản để đăng ký dự thi. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý những điểm khác biệt mang tính đặc thù trong quy định tuyển sinh của từng trường để tránh sai sót và được bảo đảm quyền lợi ở mức tối đa.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Thông tin tổng hợp từ các trường cho thấy, năm nay, số trường xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả học tập THPT đã giảm đi rõ rệt. Hầu hết trường ĐH nhóm trên chỉ sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia. Các trường ĐH phía Bắc vẫn tuyển sinh dựa trên kết quả học tập THPT hầu hết là trường địa phương, trường dân lập, với một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (50% chỉ tiêu); ĐH Tài chính ngân hàng Hà Nội (30%); ĐH Sư phạm Kỹ thuật tại Hưng Yên, Nam Định, Vinh và ĐH Hòa Bình (70%); ĐH Hồng Đức; ĐH Kinh Bắc; ĐH Lâm nghiệp (40%); ĐH Lương Thế Vinh (80%)... Điều kiện xét tuyển theo phương thức này là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có điểm trung bình môn từ 6 điểm với trình độ ĐH, từ 5 điểm với trình độ CĐ. Trường dân lập vốn có đầu vào tốt như ĐH Thăng Long năm nay cũng không dùng cách xét tuyển bằng học bạ.
Một số trường nhóm trên hoặc có nét đặc thù trong đào tạo đã đưa ra thêm một số quy định riêng. Trường ĐH Kinh tế quốc dân đặt ra điều kiện xét tuyển tối thiểu là thí sinh phải có điểm tổ hợp xét tuyển cao hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 3 môn xét tuyển (tính cho 6 học kỳ THPT) từ 20,0 trở lên. Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT (bản gốc) của thí sinh trúng tuyển khi đến trường làm thủ tục nhập học.
Thí sinh đăng ký thi ngành Báo chí vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải làm bài thi năng khiếu với 30 câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết. Thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí phải viết bình luận, trả lời phỏng vấn trực tiếp. Thí sinh dự tuyển các chuyên ngành khác của ngành Báo chí cần làm bài thi tự luận và viết luận để được đánh giá năng lực. Bài thi năng khiếu báo chí do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi.
Ở khu vực phía Nam, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Hoa Sen có phương thức tuyển sinh đáng chú ý (2 trường đều tuyển sinh trong phạm vi toàn quốc). Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực, trong đó, điểm học bạ của 3 môn đăng ký xét tuyển chiếm tỷ trọng 20% và kết quả thi THPT quốc gia chiếm tỷ trọng 20%. Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra năng lực với điểm đánh giá chiếm tỷ trọng 20%.
Bài kiểm tra năng lực được tiến hành với hình thức trắc nghiệm, nội dung liên quan đến 4 nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp; kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận. Tại Trường ĐH Hoa Sen, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường còn xét theo kết quả học tập THPT kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS 6.5 hoặc TOEFL iBT 89 trở lên với trình độ ĐH và IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 80 trở lên với trình độ CĐ); kết hợp với viết bài luận; kết hợp sơ tuyển năng khiếu.
Hiện nay, đề án tuyển sinh theo nhóm của 9 trường ĐH khu vực Hà Nội, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, bao gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Giao thông - Vận tải, ĐH Thủy lợi, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghệ Giao thông - Vận tải. Thí sinh lựa chọn các trường trong nhóm cần theo dõi quy định tuyển sinh riêng của nhóm trên website của trường. Từ nay đến 22-4, nhóm này còn có thể tiếp tục được mở rộng.
Không chủ quan khi được miễn thi
Đáng lưu ý, kể từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia nếu có chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng quy định. Năm 2016, trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT vẫn quy định đối tượng miễn thi ngoại ngữ, bao gồm thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hoặc thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT (với riêng môn tiếng Anh chứng chỉ đạt yêu cầu tối thiểu là TOEFLE ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 điểm). Thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, thí sinh được đăng ký bất cứ môn ngoại ngữ nào mà Bộ GD-ĐT tổ chức thi cũng như nộp chứng chỉ để được miễn thi chứ không nhất thiết phải là môn học trong trường phổ thông. Tuy nhiên, thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ xem trường ĐH, CĐ mà mình đăng ký xét tuyển có chấp nhận kết quả miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia hay không. Nếu trường không chấp nhận phương án chứng chỉ thay thế điểm thi, thí sinh vẫn phải dự thi môn này để có kết quả xét tuyển khi trường ĐH, CĐ yêu cầu. Năm nay, với lý do bảo đảm chất lượng đầu vào, Trường ĐH Hà Nội sẽ không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ khi xét tuyển. Thay vào đó, chứng chỉ của thí sinh chỉ có thể được dùng để xem xét rút ngắn thời gian học tập các môn liên quan sau khi trúng tuyển.
Trong khi đó, ngay từ năm 2015, sau khi Bộ GD-ĐT áp dụng quy định miễn thi môn ngoại ngữ, Trường ĐH Luật Hà Nội đã có quy định chi tiết về việc xét tuyển liên quan đến môn này. Năm nay, nhà trường tiếp tục sử dụng kết quả miễn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Đối với ngành Luật, ngành Kinh tế, ngành Luật thương mại quốc tế: Thí sinh có số điểm tối thiểu IELTS 7.0 điểm, TOEFL ITP 627 điểm, TOEFL iBT 95 điểm thì được quy đổi tương ứng với 10 điểm môn tiếng Anh. Thí sinh có số điểm tối thiểu IELTS 6.5 điểm, TOEFL ITP 550 điểm, TOEFL iBT 79 điểm thì được quy đổi tương ứng với 9,5 điểm môn tiếng Anh. Các chứng chỉ phải có giá trị sử dụng tính đến thời điểm trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, được Bộ GD-ĐT công nhận.
Quỳnh Phạm (hanoimoi.com.vn – 05/04/2016)