Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: 'Bẫy' học phí

26/03/2013

 

Thí sinh nên tìm hiểu học phí, loại hình trường trước khi khai hồ sơ đăng ký dự thi, vì nhiều trường mập mờ, không thông tin cụ thể, đặt thí sinh vào chuyện đã rồi.

 

Trong khi các trường ĐH, CĐ công lập phải thu học phí theo khung quy định; các trường ngoài công lập phải công khai học phí trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 thì các trường công lập tự chủ tài chính không cần công khai, cũng không thu học phí theo quy định mà được phép xác định học phí. Thí sinh chắc chắn không thể biết được trường nào là trường công lập tự chủ tài chính nếu không tìm hiểu kỹ.


Cẩn thận với công lập tự chủ tài chính


Mua hồ sơ đăng ký dự thi tại Sở GD&ĐT TP.HCM, Nguyễn Nhựt Loan cho biết sẽ thi vào Trường ĐH Tài chính-Marketing vì đây là trường công lập nên học phí thấp, điểm trúng tuyển hằng năm cũng phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn từ chuyên viên tuyển sinh, biết trường tự chủ tài chính nên học phí đắt hơn trường công lập, Nhựt Loan thắc mắc: “Tại sao học phí cao nhưng không ghi trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ để thí sinh biết? Em có lên trang web của trường để xem thông tin nhưng cũng không thấy thông tin nào nói về học phí”.


Theo TS Phạm Lê Quang, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Tài chính-Marketing, học phí cho khóa tuyển sinh năm 2013 là 220.000 đồng/tín chỉ. Như vậy, học phí tín chỉ của trường tương đương tín chỉ của trường ngoài công lập. Một năm học trung bình khoảng 30-32 tín chỉ, sinh viên phải đóng 6,6 triệu đồng và mức này đã tăng 1,1 triệu đồng so với năm trước. Trong khi đó, Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ về học phí thì mức trần học phí đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản tại trường ĐH công lập từ năm học 2013-2014 là 4,85 triệu đồng/năm.


Các trường ĐH tự chủ tài chính khác như ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… cũng cho biết do Nhà nước chỉ hỗ trợ vốn xây dựng nên được tự xác định học phí. Chẳng hạn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu 220.000 đồng/tín chỉ lý thuyết đối với tất cả các ngành, trừ khối ngành ngôn ngữ và ngành xã hội học là 240.000 đồng, khối ngành mỹ thuật công nghiệp là 280.000 đồng. Đối với tín chỉ thực hành, tùy từng ngành và môn học sẽ dao động từ 370.000 đến 400.000 đồng; riêng thực hành môn chuyên ngành hóa, điện, quy hoạch vùng và đô thị… sẽ cao hơn khoảng 15%-20%.

Cao đẳng cũng cao ngất ngưởng


Trường CĐ Bách Việt công bố học phí là 200.000 đồng/tín chỉ đại cương nhưng không cho biết một học kỳ phải học bao nhiêu tín chỉ. Cụ thể, năm trước trường công khai mức học phí tín chỉ là 250.000 đồng nhưng khi gửi giấy báo nhập học cho sinh viên lại đưa ra mức học phí học kỳ 1 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi học kỳ sẽ phải học 15-18 tín chỉ, tức trong ba năm học khoảng 110 tín chỉ. Với cách tính này, học phí trung bình một học kỳ của trường chỉ nằm trong khoảng 4,5 triệu đồng. Chưa kể, ngoài học phí thì sinh viên còn phải đóng hàng loạt phí khác như áo sơmi, đồ thể dục thể thao, lệ phí nhập học, bảo hiểm… khoảng 800.000-1 triệu đồng.


Các ngành đào tạo sức khỏe như điều dưỡng, dược sĩ của trường CĐ có học phí cao không kém các trường ĐH. Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Miền Nam từ 14 đến 15 triệu đồng/năm, CĐ Phương Đông Đà Nẵng là 10,5 triệu đồng/năm, CĐ Bách khoa Đà Nẵng là 6,8 triệu đồng/năm…

 

Trường

Học phí 2013

So với năm 2012

ĐH Lạc Hồng

13 triệu đồng/ năm

Tăng 3,5 triệu đồng

ĐH Văn Lang

14-24 triệu đồng/ năm

Tăng 2-5 triệu đồng

ĐH Nguyễn Tất Thành

16,4 triệu đồng/ năm

Tăng 2 triệu đồng

ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM

15-17 triệu đồng/ năm

Tăng 2-3 triệu đồng

ĐH Quốc tế Hồng Bàng

14,98-17,98 triệu đồng/ năm

Tăng 2 triệu đồng

ĐH Phương Đông

8-10 triệu đồng/ năm

Tăng 1,25-1,75 triệu đồng

ĐH Quang Trung

7,5 triệu đồng/ năm

Tăng 1 triệu đồng

ĐH Kiến trúc Đà Nẵng

10,5-13 triệu đồng/ năm

Tăng 2-3 triệu đồng

CĐ VHNT và Du lịch Sài Gòn

10-12 triệu đồng/ năm

Tăng 1-3 triệu đồng

 

Nhiều “phụ phí”


Ngoài học phí, các trường ĐH còn thu rất nhiều “phụ phí” khi sinh viên trúng tuyển.


Năm trước, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thu lệ phí hệ ĐH là 300.000 đồng, còn hệ CĐ là 200.000 đồng, phí sử dụng thư viện là 400.000 đồng cho hệ ĐH và 300.000 đồng hệ CĐ, phí bảo hiểm tai nạn 30.000 đồng, phí bảo hiểm y tế 265.000 đồng… Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ngoài thu lệ phí nhập học và thẻ sinh viên 200.000 đồng, sinh viên còn phải đóng tiền quần áo đồng phục, đồ thể dục, huy hiệu 450.000 đồng; riêng sinh viên nữ phải đóng thêm 220.000 đồng cho một bộ đồng phục áo dài… Còn Trường CĐ Thương mại ngoài học phí còn thu tiền tài liệu học tập 150.000 đồng, đồng phục thể dục 80.000 đồng, tiền nước uống, an ninh, vệ sinh môi trường 35.000 đồng/tháng… Trường ĐH Dầu khí Việt Nam thu cả tiền giấy vệ sinh 20.000 đồng/tháng.


Những loại phụ phí này sẽ tiếp tục được các trường duy trì thu khi sinh viên đến làm thủ tục nhập học. Vì vậy, khi chọn trường dự thi, thí sinh cần cân nhắc các khoản học phí cũng như những “phụ phí”, tránh rơi vào tình trạng đã rồi.


Ngoài công lập: Mỗi năm mỗi tăng


Trường ĐH Hoa Sen thay vì công khai học phí theo năm vào khoảng 39,6-45,6 triệu đồng cho chương trình tiếng Việt như năm trước thì năm nay công khai học phí từ 3,5 đến 3,8 triệu đồng/tháng, học phí một năm học được tính theo biên độ 12 tháng. Như vậy, nếu tính theo 12 tháng học ở trường, học phí năm nay nhiều ngành tăng lên mức 42 triệu đồng/năm.


Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) công khai chung chung học phí tùy ngành từ 3,25 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng/học kỳ. Trên trang web của trường này cũng không có thông tin nào liên quan đến học phí. Trong khi đó, năm ngoái học phí ngành y đa khoa là 17,5 triệu đồng/học kỳ, ngành dược học là 16,5 triệu đồng/học kỳ.


Quốc Dũng

Nguồn: phapluattp.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang