Tuyển sinh ĐH 2019: “Rộng cửa” hơn cho thí sinh vào trường top đầu
21/02/2019
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học (ĐH) top đầu trên cả nước đều đã công bố phương án tuyển sinh năm 2019.
Nhìn vào phương án tuyển sinh được các trường áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay cho thấy, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG), nhiều trường đã hướng đến tự chủ tuyển sinh với mong muốn có thể tuyển được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa vào ĐH sẽ mở rộng hơn đối với thí sinh khi THPTQG không còn là con đường duy nhất.
Năm 2019, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển sinh vào các chuyên ngành đào tạo của trường.
Theo đó, ngoài 8 đơn vị thành viên trực thuộc ĐH này thì dự kiến sẽ có thêm 12 trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống sẽ sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP Hồ Chí Minh để xét tuyển. Như vậy, bên cạnh việc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPTQG 2019, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu các ngành, nhóm ngành để xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi ĐGNL do nhà trường tổ chức.
Còn theo phương án tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, thay vì chủ yếu chỉ xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPTQG kết hợp với điểm học bạ như các năm trước, năm nay, ĐH Ngoại thương đã đa dạng hơn các phương thức tuyển sinh theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG.
Cụ thể, nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức, bao gồm: Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG năm 2019; phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 và phương thức xét tuyển thẳng.
Tương tự, phương án tuyển sinh năm 2019 của ĐHQG Hà Nội cũng được xây dựng đa dạng hơn. Bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPTQG năm 2019, ĐHQGHN cũng mở rộng xét tuyển đối với các đối tượng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK);
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi);
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi)...
Không chỉ các trường ĐH top đầu khối dân sự, khối trường Công an, Quân đội cũng đã có những điều chỉnh trong tuyển sinh năm 2019 theo hướng tăng cường tự chủ cho các trường, giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG.
Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường Quân đội năm 2019 của Cục nhà trường, Bộ Quốc Phòng, dự kiến sẽ thực hiện việc phân cấp cho các trường tự quản lý, điều hành công tác tuyển sinh quân sự.
Các trường trực tiếp tuyên truyền hướng nghiệp, nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển, tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy. Đối với các trường tổ chức thi tuyển sẽ phải xác định địa điểm thi, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng.
Riêng các trường thi tuyển theo đề án tuyển sinh riêng (nếu có) sẽ xây dựng Đề án tuyển sinh riêng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới triển khai thực hiện.
Trước đó, theo hướng dẫn của Cục đào tạo, Bộ Công an, việc xét tuyển vào các trường CAND năm 2019 cũng đã được điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng từ kết quả của kỳ thi THPTQG.
Cụ thể, các trường CAND sẽ sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chiếm tỷ lệ 75% điểm xét tuyển) kết hợp với kết quả học bạ trung học phổ thông (chiếm tỷ lệ 25%) điểm xét tuyển.
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng: Việc các trường ĐH top đầu đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT là xu hướng phù hợp và cần thiết.
Sự lựa chọn này cũng dễ hiểu khi mà độ tin cậy của kỳ thi THPTQG đã ít nhiều bị giảm sút sau bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương trong năm 2018.
Cũng theo ông Khuyến, lẽ ra các trường cần phải làm điều này sớm hơn vì Luật giáo dục quy định rõ, các trường hoàn toàn được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
“Nhìn lại kỳ thi THPTQG những năm qua cho thấy, kết quả của kỳ thi này có thể đạt được mục tiêu xét tuyển ĐH đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ hoặc đa dạng các phương thức tuyển sinh để lựa chọn học sinh phù hợp. Đã đến lúc các trường ĐH có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh ĐH phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Huyền Thanh
cand.com.vn – 20/02/2019