Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh 2023: Hình thức làm bài thi ở các kỳ thi riêng

22/03/2023

Năm nay có tám kỳ thi tuyển sinh riêng, theo thống kê từ công bố kế hoạch, phương án tuyển sinh dự kiến của các đại học, trường đại học năm 2023.

Các kỳ thi riêng năm 2023 có hai hình thức: thi trên máy tính và thi trên giấy

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) tổ chức tại các tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng 2 điểm so với năm 2022.

Ở phía Bắc kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính lần lượt từ phần 1 đến phần 3. Mỗi phần thi có 50 câu hỏi chấm điểm, có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm này được trộn vào các phần một cách ngẫu nhiên. Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Sau khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ nhận được điểm số ngay trên máy tính.

Theo Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, quy mô dự kiến phục vụ các đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là khoảng 62.500 máy thi. Thời điểm thí sinh đăng truy cập cao điểm, cổng thông tin ghi nhận phục vụ gần 60.000 thí sinh đăng ký lúc 9h30 cùng ngày.

Theo Zing, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm khách quan trong khung thời gian chung là 150 phút. Dự kiến một số điều chỉnh của Đại học Bách khoa Hà Nội đối với kỳ thi đánh giá tư duy là cấu trúc bài thi gọn nhẹ hơn (chỉ còn thi trong một buổi/150 phút), nội dung bài thi cơ bản không còn tư duy theo tổ hợp môn học (Tư duy toán học, Tư duy đọc hiểu và Tư duy giải quyết vấn đề).

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu thí sinh làm phần trắc nghiệm của đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và làm phần tự luận trên tờ giấy thi riêng do nhà trường quy định. Thí sinh phải lựa chọn đăng ký một số bài thi trong các bài thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.

Ở phía nam, trong năm đầu tiên tổ chức, kỳ thi đánh giá đầu vào đại học của Đại học Sài Gòn cũng tổ chức thi trên máy tính với sự phối hợp về ngân hàng đề thi, phần mềm tổ chức thi từ Trung tâm Khảo thí quốc gia. Nhà trường tổ chức thi 7 môn gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Thí sinh đăng ký dự thi theo môn và có thể đăng ký thi nhiều lần, kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được sử dụng để xét tuyển.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi trong tổ hợp xét tuyển quy về thang 30 cộng với điểm ưu tiên đối tượng/khu vực theo quy định. Riêng môn Ngữ văn (nếu có) trong các tổ hợp xét tuyển sẽ được lấy từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM quy định hình thức thi trên giấy. Thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn và được cán bộ coi thi phát. Các em không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng; chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.

Năm nay trường Đại học Sư phạm Tp.HCM đều được thi trên máy tính tại Đại học Sư phạm Tp.HCM (cơ sở 280 An Dương Vương, phường 4, quận 5, Tp.HCM). Kỳ thi này bao gồm các môn thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.

Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM tổ chức hình thức thi trên máy tính. Tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào của Đại học Ngân hàng Tp.HCM, thí sinh có 90 phút làm bài thi môn Toán. Các môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, mỗi môn thi 60 phút.Nội dung kỳ thi nằm trong chương trình THPT với khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; và 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11. Các môn thi của kỳ thi bao gồm Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý.

Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho biết thí sinh đăng ký sớm sẽ được ưu tiên tổ chức thi thử trước kỳ thi chính thức. Thí sinh được đăng ký thi nhiều môn thi, đăng ký nhiều lần thi trong năm tuyển sinh và được sử dụng kết quả thi cao nhất để đăng ký xét tuyển.

Sáng suốt lựa chọ kỳ thi riêng phù hợp

Trao đổi với Pháp Luật Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân.

Đặc biệt, thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, vừa lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Bởi, các kỳ thi riêng có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Đơn cử, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia phạm vi lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên, Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an…). Bên cạnh đó, thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, điểm khác biệt lớn nhất về kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức là thi 8 môn độc lập. Trong đó, môn Ngữ Văn thi 70% tự luận, 30% trắc nghiệm; các môn còn lại thi 70% trắc nghiệm, 30% tự luận. Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện nay đều thi trắc nghiệm 100%.

Vị GS.TS khẳng định, thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường. Đây cũng là nhắc nhở với thí sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội trước những lời mời chào luyện thi đánh giá năng lực đang vây bủa thí sinh.

Thông tin trên Người Lao Động, trước việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, cho rằng thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch phù hợp. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực và gánh nặng về thi cử trong khi lại khó có kết quả như mong muốn. Thí sinh không cần lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi mà cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức. Theo lãnh đạo một số trường đại học, năm nay sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh.

Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ngoài việc lấy kết quả xét tuyển của cơ sở đào tạo còn được các trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển.

Trúc Chi (t/h)
https://www.nguoiduatin.vn/tuyen-sinh-2023-hinh-thuc-lam-bai-thi-o-cac-ky-thi-rieng-a599087.html

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang