Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh 2022: Điều chỉnh quy chế tạo thuận lợi cho thí sinh

17/03/2022

Năm 2022, rút kinh nghiệm về những thiếu xót trong tuyển sinh 2021, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh Quy chế thi, nhằm đảm bảo công bằng giữa các thí sinh và giữa các trường ĐH.

Những nội dung dự kiến điều chỉnh

Hôm qua, 16/3, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2022. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã báo cáo về công tác tuyển sinh ĐH năm 2021, kế hoạch tuyển sinh năm 2022. Trong báo cáo, bà Thủy đã chỉ ra và phân tích nguyên nhân về một số hạn chế tuyển sinh năm 2021, đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH lưu ý để tránh lặp lại trong mùa tuyển sinh năm 2022.

Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định năm 2021, các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức (khoảng 20 phương thức), tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Do đó, đối với năm 2022, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường phải đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định trong tuyển sinh. Với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình, không gây xáo trộn đối với thí sinh.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, bộ này cũng sẽ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, các cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội, tập trung ở 6 điểm.

Thứ nhất, việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng ĐKXT của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Thứ năm, cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Thứ sáu, cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

Tối giản số lượng phương thức, tổ hợp xét tuyển

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ do dịch COVID-19 nên các trường khối ngành sức khỏe chưa thể tổ chức một buổi họp thống nhất kế hoạch tuyển sinh. Tuy vậy, GS Tú khẳng định các trường này vẫn xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là chủ yếu. Do đó, ông đề nghị Bộ GD&ĐT vẫn giữ vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức thi, chấm thi để đảm bảo chất lượng và sự công bằng cho thí sinh. Thời gian vừa qua, dư luận cũng băn khoăn việc một số trường Y dược xét tuyển các tổ hợp không có môn Sinh. GS Nguyễn Hữu Tú cho rằng điều này không mới vì Học viện Quân y đã thực hiện xét tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) mấy năm nay. Tuy nhiên, theo ông không nên để chỉ tiêu lớn đối với tổ hợp mới, các trường cần có lộ trình để nhận phản hồi cũng như thí sinh có sự chuẩn bị với sự điều chỉnh này.

Chủ trì Hội nghị Tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết không chỉ quy chế mà các điều chỉnh kỹ thuật khác cũng hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường không nên chạy đua “nở rộ” nhiều phương thức. Việc lựa chọn phương thức mới, một tổ hợp mới cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng; không nên thêm quá nhiều phương thức thi. Khi tất cả các trường đưa thêm nhiều phương thức tuyển sinh, cuối cùng vẫn chỉ chọn trong từng đó thí sinh, do đó không hẳn các trường sẽ có lợi trong việc này, còn thí sinh sẽ rất lúng túng.

Bộ GD&ĐT cũng dự kiến, Quy chế tuyển sinh ĐH 2022 được ban hành trong tháng 5 tới.

Trong 6 điểm mới dự kiến của Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022 quan trọng nhất tất cả các nguyện vọng xét tuyển đối với thí sinh đăng ký đợt 1 (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nghiêm Huê
https://tienphong.vn/tuyen-sinh-2022-dieu-chinh-quy-che-tao-thuan-loi-cho-thi-sinh-post1423673.tpo

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang