Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Tự chủ đại học: Đa dạng nguồn thu, giảm gánh nặng học phí

15/08/2022

Tự chủ đại học và chính sách học phí là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của phụ huynh và thí sinh.

Với nền tảng nghiên cứu và chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ chưa thật sự lớn, chính sách học phí vẫn là “điểm tựa” chính của các trường đại học khi tự chủ.

Học phí tăng nhanh

Chuẩn bị năm học mới, các trường đại học đồng loạt tăng học phí sau gần 2 năm giữ nguyên vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Luật TPHCM công bố mức học phí chương trình đại trà là 31,25 triệu đồng/năm, các ngành Quản trị - Luật là 37,08 triệu đồng/năm, ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý là 39 triệu đồng/năm.

Riêng với hệ chất lượng cao, học phí dao động từ 62,5- 74,16 triệu đồng/năm tùy ngành. Trường ĐH Luật TPHCM cũng có ngành Luật hệ chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh có mức học phí 165 triệu đồng/năm (một năm 1 lớp).

Học phí của Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm học 2022 - 2023 hệ đại trà dự kiến là 31,25 triệu đồng/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm học 2021 - 2022 (22,5 triệu đồng). Tương tự, Trường ĐH Y Dược TPHCM công bố mức học phí đối với sinh viên của 3 khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022 từ 37 triệu đồng đến 77 triệu đồng/năm học, tùy từng ngành...

Trước đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cũng công bố học phí hệ đại trà năm học 2022 - 2023 có mức thu từ 16-24 triệu đồng/năm tùy theo khối, ngành, chương trình đào tạo. Cụ thể, học phí nhóm ngành Khoa học Xã hội từ 16-20 triệu đồng/năm học; học phí nhóm ngành Ngôn ngữ và du lịch từ 21-24 triệu đồng/năm học.

Tương tự, học phí Trường ĐH Kinh tế - Luật năm học 2022 - 2023 ở mức 22.600.000 đồng/năm (năm 2021 là 20,5 triệu đồng), ĐH Công nghệ Thông tin là 30 triệu đồng/năm (năm 2021 là 25 triệu đồng). Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM học phí tăng từ 3-10% so với năm trước tùy ngành.

Cũng là trường thực hiện tự chủ tài chính, học phí trung bình các ngành chương trình đại trà Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) năm nay là 27,5 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao là 72 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật: 55 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng từ 2,5- 6 triệu đồng so với năm học trước.

Việc trường đại học đồng loạt tăng học phí sau 2 năm giữ nguyên được dự báo trước. Tuy nhiên, một số trường chuyển sang tự chủ, mức gia tăng học phí tới 50-60% so với năm học trước đã khiến sinh viên cảm thấy “ngộp”.

Thúc đẩy tài chính từ nhiều nguồn

Theo kế hoạch, từ năm học 2022 - 2023, các trường sẽ áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tại khung này, mức trần học phí tất cả khối ngành đại học tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để giảm áp lực tài chính cho sinh viên, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị mức tăng học phí của trường công lập thực hiện tự chủ nên ở mức 2-2,5 lần mức trần của trường chưa tự chủ.

Thực tế, học phí gây sự chú ý như ĐH Luật TPHCM vừa qua không phải học phí hệ đại trà, mà là hệ đào tạo khác (thỏa thuận dịch vụ). Điều này theo PGS.TS Trần Hoàng Hải- quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, xuất phát từ một số thông tin dẫn giải chưa đúng bản chất, khiến cho học phí của trường bị hiểu sai.

PGS.TS Trần Hoàng Hải nhìn nhận, muốn chất lượng giáo dục tốt thì buộc phải gia tăng chi phí đầu tư. Theo ông, mức đầu tư tính trên đầu sinh viên của Việt Nam hiện là khá thấp so với khu vực.

“Mức học phí mới được trường công bố từ năm 2022 đến năm 2026 theo khung của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Học phí hơn 31 triệu/năm nghe qua thì thấy lớn nhưng tính theo tỷ suất đầu tư không nhiều/sinh viên.

Riêng với chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh có mức học phí 165 triệu đồng/năm và tăng đến 219,7 triệu đồng/năm vào năm 2026 là chương trình mà trường hướng đến đào tạo sinh viên ngành luật chuẩn quốc tế. Sinh viên có nhu cầu thì đăng ký học.

Chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, mời các giảng viên quốc tế nên chi phí rất cao. Chưa kể, học phí chương trình này bao gồm nhiều khoản khác như đưa sinh viên ra nước ngoài kiến tập, tổ chức lớp học ngoại khóa, trang bị cơ sở vật chất hiện đại trong lớp học. Mục tiêu của trường mở chương trình này để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành luật”, PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, khi cơ chế thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ trong phần lớn các trường chưa tốt, nhất là với trường thuộc khối Khoa học xã hội, Khoa học cơ bản, thì gánh nặng tài chính vẫn phải dựa trên học phí.

Nguồn thu của trường đại học sau khi chuyển sang tự chủ 60-70% vẫn đến từ học phí. Đây cũng là “bài toán” đang khiến nhiều trường đau đầu.

TS Trần Đình Lý cho rằng, nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Đây là hệ lụy có thể nhìn thấy qua từng năm, từ chính cơ chế học phí.

Để giảm áp lực học phí cho sinh viên khó khăn, các đơn vị xây dựng cơ chế hoạt động và mức học phí mới đều tính toán các giải pháp, nguồn quỹ để hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính. Đơn cử như ĐHQG TPHCM ngoài quỹ tín dụng vay vốn học tập lãi suất 0%, đơn vị còn có các nguồn lực lớn hỗ trợ từ doanh nghiệp như học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp…

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, hằng năm nhà trường đều phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các gói chính sách hỗ trợ cho sinh viên. Dự kiến, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trường sẽ dành khoảng 45 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn.

Anh Tú
https://giaoducthoidai.vn/tu-chu-dai-hoc-da-dang-nguon-thu-giam-ganh-nang-hoc-phi-post604028.html

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]