Trường đại học phải công bố ngưỡng đầu vào trước ngày 15/7
14/06/2017
Các trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trước ngày 15/7 để thí sinh dựa vào đó làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng. Tiếp đó, từ ngày 23-25/7, các điểm tiếp nhận hồ sơ phải hoàn thành, cập nhật thông tin và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh về Bộ GD-ĐT.
Trong 2 ngày 12 và 13/6, tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 cho đại diện của hơn 170 trường ĐH, CĐ (từ Quảng Bình trở vào).
Công bố ngưỡng đầu vào trước ngày 15/7
Tại khóa tập huấn này, các đại biểu được hướng dẫn chi tiết cách xuất dữ liệu dùng cho phần mềm tuyển sinh, các bước nhập dữ liệu, điều chỉnh thông số đầu vào, cách nhập kết quả sơ tuyển. Bên cạnh đó là các bước nhập điểm năng khiếu, nhập thông tin thí sinh được tuyển thẳng, cách thức lọc ảo, xuất dữ liệu sau khi lọc ảo, cũng như cách xuất kết quả trúng tuyển dự kiến gửi lên Bộ GD-ĐT để Bộ tiến hành lọc lần cuối để làm thủ tục nhập học cho thí sinh.
PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT tập huấn chạy trên dữ liệu thật (số nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường) với tổng cộng 660.000 nguyện vọng và điểm số là kết quả giả định. Quá trình lọc ảo sẽ thực hiện 3 lần sau khi các trường nhập các dữ liệu về Bộ GD-ĐT.
Theo ông Tuấn, Bộ GD-ĐT đã thành lập 2 nhóm lọc thí sinh ảo, trong đó nhóm trường phía Bắc có 52 trường và nhóm trường phía Nam có 72 trường. Kết quả tập huấn tại phía Bắc vừa thực hiện xong, có trường sau khi chạy lọc ảo thì kết quả vượt chỉ tiêu lên đến 230%.
Trong quy trình xét tuyển, ông Tuấn cho rằng, từ ngày 15 đến 23/7, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng bằng hai phương thức: phương thức trực tuyến chỉ điều chỉnh nguyện vọng (không được tăng thêm số nguyện vọng) và phương thức nộp trực tiếp tại trường (được tăng thêm nguyện vọng và phải đóng lệ phí 30.000 đồng/ nguyện vọng).
Ngoài ra, ông Tuấn cũng yêu cầu các trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (nếu có) trước ngày 15/7 để thí sinh dựa vào đó làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng. Tiếp đó, từ ngày 23- 25/7, các điểm thu nhận hồ sơ phải hoàn thành, cập nhật thông tin và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh về Bộ.
Ông Tuấn nhấn mạnh rằng, do năm nay sử dụng cơ sở dữ liệu chung nên trường nào không nắm kỹ quy trình và lịch xét tuyển sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ thống. Chỉ cần có trường không gửi dữ liệu lên hệ thống thì kết quả lọc thí sinh ảo cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trường không tham gia nhóm xét tuyển sẽ khó lọc ảo
PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT lưu ý rằng năm nay vấn để khó khăn nhất là xác định tỷ lệ ảo. Do đó, để lọc ảo được thực hiện chính xác, các trường cần phải cung cấp đầy đủ các dữ liệu về Bộ GD-ĐT.
Đối với thí sinh tuyển thẳng, trúng tuyển theo đề án tuyển sinh riêng và nhập học vào trường thì các trường phải đưa lên dữ liệu chung để Bộ khóa dữ liệu của những thí sinh này, tránh tham gia xét tuyển lần nữa.
Cũng theo ông Nghĩa, những trường tham gia nhóm xét tuyển chung thì sẽ loại trừ được ảo rất nhiều. Còn những trường không tham gia nhóm xét tuyển sẽ khó khăn trong việc tính thí sinh ảo.
Năm nay, trong quá trình xét tuyển, các trường sẽ có 3 lần lọc ảo. Sau mỗi lần lọc, Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo đến các trường để biết và điều chỉ lên điểm chuẩn lên lên xuống. Nếu trường nào cố tình tuyển vượt, Bộ GD-ĐT sẽ có chế tài với trường đó.
Phía Bộ GD-ĐT cũng cho biết, quá trình lọc ảo sẽ diễn ra 3 lần từ ngày 28- 30/7. Theo đó, các thí sinh được tuyển thẳng, trúng tuyển theo đề án tuyển sinh riêng, thí sinh nộp hồ sơ nhập học vào trường nào thì trường đó phải đưa thông tin lên dữ liệu chung để Bộ tiến hành khóa thông tin, tránh trường hợp thí sinh này sẽ nộp hồ sơ xét tuyển lần nữa
Quy trình lọc ảo của phần mềm tuyển sinh 2017 được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ của các trường, việc quyết định điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển đều do chính các trường tự quyết định mà không có sự can thiệp nào từ Bộ GD-ĐT. Việc sử dụng phần mềm tuyển sinh “lọc ảo” cũng tạo điều kiện cho thí sinh có điểm số cao trúng tuyển vào đúng ngành học mà mình mong muốn, đồng thời hạn chế được những trường hợp điểm cao nhưng lại vào ngành có điểm đầu vào thấp.
Lê Phương
Nguồn: dantri.com.vn – 14/06/2017