Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Trung tâm luyện thi “chui” mọc như nấm

11/06/2012

 

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh từ các tỉnh, thành đổ về TPHCM tìm chỗ luyện thi đại học cấp tốc chuẩn bị cho cuộc vượt vũ môn sắp tới. Bất chấp học phí, mọi khoản chi phí khác đều tăng, cuộc đua của thí sinh vào các trung tâm luyện thi vẫn nóng bỏng. Trong đó, rất nhiều trung tâm hoạt động “chui” cũng tham gia thị trường này và thu hút thí sinh bằng nhiều chiêu câu khách.

 

Không đậu trả lại 100% học phí?


Những ngày này, hàng ngàn thí sinh lẫn phụ huynh từ các tỉnh, thành trên cả nước tất bật đổ về thành phố tìm chỗ luyện thi đại học cấp tốc với một ước mơ cháy bỏng là thi đậu đại học. Đây cũng chính là dịp các trung tâm luyện thi “chui” tung hoành khắp nơi trên địa bàn thành phố để chiêu dụ thí sinh.

 
Trong vai phụ huynh tìm chỗ luyện thi cho thí sinh, chúng tôi đã rảo quanh các quận, huyện từ nội thành đến ngoại thành và thật bất ngờ khi chứng kiến hàng loạt trung tâm không phép vẫn ngang nhiên giăng băng rôn quảng cáo, thu nhận thí sinh để luyện thi.

 
Lần theo địa chỉ trên thư ngỏ, chúng tôi tìm đến địa chỉ 417/26/38 Quang Trung, P10, quận Gò Vấp nhưng không thấy Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học Trường Đạt. Quá thất vọng, chúng tôi tiếp tục tìm đến địa chỉ 137/1A Quang Trung, P11, quận Gò Vấp thì được biết đây là địa chỉ thật của trung tâm.

 

Tại đây, chúng tôi được cô nhân viên cho xem các thầy, cô giảng dạy các môn khối A, B, D đều là người của các trường danh tiếng như: ĐH Kinh tế, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường THPT Nguyễn Khuyến... Sau phần giới thiệu, chúng tôi khá choáng với mức học phí mà trung tâm này đưa ra. Mỗi thí sinh phải đóng tổng cộng hơn 7,5 triệu đồng/tháng luyện thi. Trong đó, học phí mỗi môn là 1,7 triệu đồng, tiền ăn 1,8 triệu đồng và tiền nội trú là 690.000 đồng.

 

Cách đó không xa, Trung tâm Luyện thi đại học Thầy Đồ cũng làm huyên náo cả tuyến đường Cây Trâm, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu thuộc P9, quận Gò Vấp. Sau gần 10 phút chạy ngoằn ngoèo trong hẻm, chúng tôi sửng sốt khi ngay trước cửa trung tâm là hàng loạt tên tuổi của các PGS, TS, Th.S của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM tham gia giảng dạy.

 

Tuy nhiên, một điều lạ là mức học phí mà trung tâm này đưa ra là 3,4 triệu đồng/thí sinh/khóa (học từ ngày 8-6 đến ngày 1-7). Dù quảng cáo là học phòng máy lạnh, chất lượng cao nhưng khi chúng tôi nhìn lớp học thực tế thì chỉ có quạt máy, bàn ghế thì xộc xệch, bụi phấn văng tứ tung.
 
Trong khi đó, dù hoạt động “chui” nhưng Trung tâm Luyện thi đại học Lý Thái Tổ tự xưng là Trường luyện thi đại học với những lời quảng cáo hết sức quá trớn: “Học sinh trung bình vẫn có thể thi đậu đại học; có lớp đảm bảo đậu đại học (sẽ hoàn trả 100% học phí nếu thi rớt)”.
 
Trong khi đó, tại khu vực quận 6, quận Tân Phú, quận 10 cũng có hàng loạt trung tâm luyện thi không phép được mọc lên như: Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và phát triển giáo dục Hồng Hà, Trung tâm Luyện thi đại học Minh Trí, Trung tâm Luyện thi Mạc Đĩnh Chi, Trung tâm Luyện thi ĐH chất lượng cao CFE, Trường THPT Trần Nhân Tông, Trung tâm Luyện thi chất lượng cao QSC...
 
Quản không xuể


Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện có trên 240 cơ sở bồi dưỡng văn hóa được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, con số các trung tâm luyện thi ngoài luồng dường như đơn vị này không thể quản lý được. Và từ đây, không chỉ đơn vị quản lý đau đầu mà thí sinh phải đối diện nguy cơ “tiền thật học giả” khi lỡ vào những trung tâm luyện thi dỏm.

 
Thực tế cho thấy, các trung tâm gia sư, trung tâm luyện thi không phép đã ra sức tung hoành sau khi thi tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, những đơn vị này hoạt động theo kiểu cuốn chiếu nên cấp quản lý gần như bó tay. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng: “Nếu phát hiện trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng Nghị định 49 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, sở sẽ tiến hành thanh tra, đơn vị nào vi phạm sẽ đóng cửa, hoàn trả lại học phí cho người học”.

 
Trong khi đó, về phía các phòng giáo dục quận, ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, cho biết: “Đơn vị cấp phép cho các trung tâm luyện thi là Sở GD-ĐT. Căn cứ trên danh sách của sở, chúng tôi thường xuyên phối hợp với UBND các phường để rà soát, kiểm tra những trung tâm luyện thi không phép. Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa phát hiện thấy trung tâm nào vi phạm”.

 

Tuy nhiên, trái với lời của ông Tân, tại khu vực đường Nguyễn Cửu Đàm, Lê Trọng Tấn, Trương Vĩnh Ký thuộc phường Tân Sơn Nhì, phường Tây Thạnh quận Tân Phú chúng ghi nhận có đến 4 cơ sở không có giấy phép. Tương tự, tại quận Gò Vấp, quận 6 dường như quản lý không xuể khi các trung tâm luyện thi không phép mặc sức tung hoành, treo băng rôn, quảng cáo khắp nơi.

 
Như vậy, với cách quản lý lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp thường xuyên giữa các cấp, cơ quan quản lý đã khiến cho các trung tâm hoạt động không giấy phép vô tư hoạt động. Và hậu quả là thí sinh chính là người lãnh đủ.

 

Thí sinh phải thận trọng

Giám đốc một trung tâm luyện thi có gần 20 năm kinh nghiệm tại quận 5 chia sẻ: Thí sinh và phụ huynh cần thực tế và đừng tin vào những lời cam kết, quảng cáo quá sự thật như: đảm bảo đậu đại học 100%, không đậu sẽ hoàn trả 100% học phí… Thầy có tài giỏi cỡ nào nhưng thí sinh bị hỏng kiến thức phổ thông thì làm sao trong một tháng có thể luyện thi đậu đại học.

 

THANH HÙNG

Nguồn: sggp.org.vn

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang